Trong đợt thẩm định đầu tiên có sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục (bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức) cùng 5 bộ SGK khác đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký.
Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK ó 3 mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt". Kết quả là SGK Công nghệ giáo dục môn Toán lớp 1 và Tiếng Việt lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên đã bị xếp loại "Không đạt".
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Ảnh: AH |
Cụ thể, sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục được hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá là biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, có cách tiếp cận riêng. Sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng và viết đúng chính tả. Cạnh đó, nội dung và hình thức sách phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm, đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn...
Tuy nhiên, sách vẫn còn gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ mà phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho là vượt chương trình, quá khó với học sinh lớp 1... Do đó, sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt".
Đối với sách Toán 1-Công nghệ giáo dục cũng bị xếp loại "Không đạt" vì hội đồng thẩm định cho rằng có nhiều nội dung không nằm trong yêu cầu của chương trình, vượt yêu cầu của chương trình.
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: AH |
Sáng 12-9, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông không bất ngờ với thông tin trên, ông khẳng định cũng không chỉnh sửa sách để tiếp tục thẩm định sau này.
"Tôi sẽ không sửa để nộp lại vì nếu điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán kỹ. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời, phải thực nghiệm mấy chục năm và nghiên cứu mới có", GS Hồ Ngọc Đại nói.
Được biết, sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục đã được triển khai ở nhiều địa phương trong hơn 40 năm qua. Năm học 2018-2019, có hơn 800.000 học sinh học theo sách này. Ngoài ra, sách cũng trải qua nhiều lần thẩm định, đơn cử như năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã lập hội đồng thẩm định quốc gia gồm 13 thành viên để thẩm định sách này.
Đến năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại yêu cầu hội đồng ấy thẩm định lần thứ hai và yêu cầu nhóm biên soạn chỉnh sửa một số nội dung. Sau đó kết luận nếu được chỉnh sửa thì tài liệu này có thể là phương án lựa chọn cho học sinh và giáo viên trong tương lai.
Tác giả: AN HIỀN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM