Trước đó, năm 2013, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ lại đánh giá: Tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn.
Nếu muốn biết đến 2016, tình hình tham nhũng ở Việt Nam có ổn định không, hãy nhìn vào con số mới nhất.
Ngày 10/8/2016, kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân Việt Nam đang có xu hướng tăng lên.
Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2011 ở TP.HCM, khi bị vòi vĩnh ở mức 5,8 triệu đồng, thì người dân sẽ tố cáo. Nhưng đến năm 2015, người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng.
Năm 2015, chỉ có gần 2,3% người bị vòi vĩnh cho biết đã tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, trong khi năm 2011 tỉ lệ này là 12,5%.
Đặc biệt, ở Hà Nội, tỉ lệ người tố cáo tham nhũng hầu như không có: chiếm 0% năm 2015 và 0,2% năm 2011.
Kết quả này, khiến cho ai đó trước đây từng khẳng định "Hà Nội không phát hiện tham nhũng", càng có cơ sở để hoan hỉ rằng mình đã nói đúng.
Nhưng không phải như vậy.
Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ: Đối tượng tham nhũng ngày càng liều lĩnh và tinh vi hơn.
Như vậy chúng ta có thể thấy, không phải là không có tham nhũng, mà quan trọng là "rất khó hoặc không phát hiện được tham nhũng".
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, đã đưa ra một con số khiến người ta giật mình vì độ khó trong việc phát hiện tham nhũng.
Đó là 10 năm qua, cả nước phát hiện được… 10 cán bộ, công chức nhận quà biếu bị xử lý và kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Trong khi phát hiện tham nhũng rất khó, thì những người chống tham nhũng thì lại rất dễ bị trả thù.
Đó là ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội). Chỉ vì vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị cho thôi chức Bí thư và miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND phường.
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Lý, ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An), người chuyên chống tham nhũng, đã bị "bọn xấu" hành hung, đe dọa bơm kim tiêm dính máu, thậm chí côn đồ còn quẳng bom cho nổ rung nhà.
Một tháng sau ngày được tỉnh Nghệ An tôn vinh về thành tích chống tham nhũng, ông Trần Hữu Sửu, xã Hiến Sơn (Đô Lương), đã bị hai kẻ lạ mặt chém trọng thương, mất vĩnh viễn 24% sức khỏe. Trước đó, nhiều lần ông Sửu bị đe dọa giết cả nhà.
Ông Nguyễn Kim Hợp (xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tố cáo việc cấp và bán trái phép hơn 300.000m2 đất. Hành động dũng cảm của ông khiến một số cán bộ sai phạm bị phạt tù, nhưng liền sau đó ông lại bị chính quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình.
Vì dám tố cáo sai phạm, anh Trần Văn Giáp, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An đã bị côn đồ đuổi đánh và bắn ba phát nhưng may không trúng người.
Ông Trần Hữu Sửu, xã Hiến Sơn (Đô Lương, Nghệ An)-một cựu chiến binh tố cáo tiêu cực từng nhiều lần bị dọa giết. Ảnh: Phan Sáng.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhận định:
"Do cơ chế chưa đồng bộ nên việc bảo vệ người tố cáo không phải là chuyện dễ. Hành vi trả thù, trù dập thường rất tinh vi, nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cũng làm cho người tố cáo tham nhũng nản lòng".
Người Việt gọi tham nhũng là "quốc nạn", "nội xâm". Giáo hoàng Francis gọi tham nhũng là "phần hoại tử của nhân loại". Cựu thủ tướng Anh David Cameron coi "tham nhũng là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của sự tiến bộ xã hội".
Tham nhũng nguy hiểm như vậy, nên đương nhiên phải chống, nhưng chống thế nào để thành công và những người chống không bị tổn hại tinh thần và tính mạng?
Sự thành công vang dội của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại đấu trường Olympic, có thể khiến một số người chống tham nhũng… trở nên mộng mơ hơn.
Nếu họ mời được Hoàng Xuân Vinh tập huấn cho mình nhiều kỹ năng thượng thặng của một xạ thủ, biết đâu công cuộc chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả bất ngờ.
Muốn thành công trong chống "giặc nội xâm", cần phải "đánh chắc, tiến chắc" chứ không thể "đánh nhanh thắng nhanh" – dễ sót người, lọt tội và oan sai.
Chính vì vậy, kỹ năng, (nín hơi, vững tay), ý chí sự rèn luyện (nhẫn nại, kiên trì, nhắm thẳng mục tiêu, thất bại không gục ngã) của Hoàng Xuân Vinh, cũng chính là "bí quyết" mà người chống tham nhũng phải học.
Chỉ có những xạ thủ huyền thoại như Xuân Vinh, mới có thể bắn bách phát bách trúng với những "cái bia" biết biến hình, giấu mình tinh vi như quan tham, khiến chúng rớt lộp độp.
Theo tinh thần ấy, người chống tham nhũng cũng có thể mời siêu kình ngư Ánh Viên tập huấn cho kỹ năng bơi, để tóm những cán bộ thoái hóa lặn sâu dưới hồ tham nhũng.
Đội quan chống "quốc nạn" cũng nên mời cô gái vàng điền kinh Nguyễn Thị Huyền – một trong 1 VĐV tiêu biểu năm 2015, để tập huấn kỹ năng… chạy. Thoát hiểm được khi bị "bọn xấu" truy đuổi thì mới có thể tiếp tục chống tham nhũng.
Ngôi sao đấu kiếm Vũ Thành An, cô gái vàng wushu Nguyễn Thúy Hiền, hotgirl taekwondo Châu Tuyết Vân… cũng là lựa chọn tốt, để dạy cho người chống tham nhũng cách phòng vệ nếu chờ mãi cơ quan chức năng chưa đến giải cứu.
Theo Quý độc giả, liệu Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên có nhận lời tham gia không nhỉ???
Tác giả bài viết: Bùi Hải