Trong tỉnh

Sáng thứ Sáu 17-8, bão số 4 đổ bộ Hải Phòng- Nghệ An

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) diễn ra chiều 15-8, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, khoảng 10h sáng 17-8, tâm bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, gió cấp 8.

Nhìn nhận về bão số 4 ông Hoàng Đức Cường cho hay, bão đổi hướng di chuyển, tăng tốc và mạnh dần hơn. Mô hình dự báo của nước ngoài đều cho thấy bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, rồi chuyển hướng Tây Tây Nam. Sáng mai, 16-8, bão số 4 sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc bộ, lúc này bão duy trì cấp 9. Rạng sáng 17-8, bão khả năng giảm cấp 8, giật cấp 10-11, cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp khu vực nam đồng bằng Bắc bộ đến Bắc Trung bộ.

Từ đêm 16-8 đến hết ngày 17-8, mưa lớn, dồn dập ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, trọng điểm ở Đông Bắc, Tây Bắc bộ, nam Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An. Lượng mưa phổ biến 250-300 mm. Bên cạnh đó, ông Cường cũng cảnh báo mực nước lũ trên sông Bùi ở Chương Mỹ (Hà Nội) có thể ở mức BĐ 2, gây ngập úng song mức độ không nghiêm trọng bằng đợt lũ vào trung tuần tháng 7 vừa qua.

“Các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất”, ông Cường nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp khẩn đối phó với bão số 4 chiều 15-8

Trước diễn biến của bão số 4, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu, các địa phương chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn cầu cảng (Quảng Ninh, Hải Phòng), hầm lò, khu vực khai thác khoảng sản, hồ chứa bùn thải; sẵn sàng máy bơm để chống ngập úng khu đoạn đường tại Đèo Bụt ở Quảng Ninh; Khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản (chủ động cấm một số phương tiện di chuyển khi bão đổ bộ trên các cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh); cầu Tân Vũ- Lạch Huyện (Hải Phòng); đảm bảo an toàn khu công nghiệp như ô tô VINFAST (Hải Phòng).

Đối với dự báo về ngập lụt trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Ban chỉ đạo thông tin, đến nay, khu vực Chương Mỹ nước mới rút cạn, mực nước trên sông Bùi hiện nay khoảng 4,2m (dưới mức BĐ 1 là 1,8m). Do vậy, đề nghị Hà Nội theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt lưu ý phối hợp tốt giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành chống ngập úng đô thị bơm nước ra sông Đáy, sông Nhuệ,…

Tính đến 16h chiều 15-8, hồ thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy, thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, thủy điện Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy. Ngoài ra, có 101 chứa lớn và 1.945 hồ chứa nhỏ khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã đầy nước; 234 hồ chứa xung yếu. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT kiến nghị thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, 3 đoàn gồm đoàn 1 kiểm tra Quảng Ninh, Hải Phòng; đoàn 2, Kiểm tra Nam Đinh, Thái Bình, Thanh Hóa; đoàn 3, kiểm tra hệ thống đê sông.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT nhận định, bão số 4 đã xuất hiện hơn 10 ngày. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, không quyết tâm phòng chống bão trên phạm vi rộng thì có thể sẽ lĩnh hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt không chủ quan khi bão càng vào gần bờ càng nạp năng lượng, hiện chỉ còn cách bờ hơn 300km nên rất gần tiếp cận bờ. Đặc biệt có thể ảnh hưởng tới các vùng kinh tế, du lịch lớn như: Quang Ninh, Hải Phòng…

“Theo dự báo hoàn lưu mưa rất rộng. Nên không chủ quan kể cả khi bão được dự báo cấp 9. Các địa phương cần cấm biển, các hoạt động du lịch. Các tỉnh miền núi có nguy cơ sạt lở rất cao. Do vậy, phải thông báo đôn đốc toàn tuyến biết và phòng chống bão kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh

Tác giả: Ngọc Yến

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP