Câu chuyện nông sản Việt rớt giá còn vài ngàn đồng, rẻ như cho, phải đổ bỏ hay cho trâu bò ăn vì thừa cung, trong khi đầu ra thì bế tắc không phải là mới những năm gần đây. Thế nhưng, chưa bao giờ lại xảy ra tình trạng: thời điểm này, trong vòng chưa đầy 1 tháng, các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá kỷ lục, nhiều loại chỉ còn 500-3.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm.
Hoa ly giá giảm còn 2.000 đồng/cành
Mở màn cuộc đua giảm giá không phanh của nông sản chính là mặt hàng hoa ly. Trước Tết Nguyên đán, người dân Tây Tựu (Hà Nội) phấn khởi vì giá hoa ly cao ngất ngưởng, với từ 30.000-35.000 đồng/cành; đỉnh điểm những ngày cận Tết còn lên tới 60.000-65.000 đồng/cành.
Hoa ly sau tết giảm giá mạnh |
Tuy nhiên, hết Tết, khi người dân trở lại với công việc thường ngày thì cũng là lúc các loại ly ở làng hoa Tây Tựu bừng nở, cung vượt mạnh so với cầu nên giá rớt thảm hại. Nhiều nhà vườn phải bán 2.000 đồng/cành ly, loại đẹp mới được 10.000 đồng/cành.
Với mức giá đó, các nhà vườn ngậm đắng nuốt cay vì lỗ nặng, mỗi cành ly họ thiệt hại từ 8.000-15.000 đồng.
Su hào, bắp cải, cải thảo, mướp đắng,... rẻ như cho
Sau hoa ly, tại Nghệ An và Quảng Nam, hàng loạt rau quả cũng có giá rẻ như cho. Đơn cử, tại huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên,... (Nghệ An), nông dân bỏ mặc ruộng rau không thèm thu hoạch. Bởi, su hào rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000-4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg,... Giá rau rẻ hơn cả cốc trà đá nên mỗi sào rau, người dân lỗ từ 1-2 triệu đồng.
Cải thảo giá giảm còn mạnh, người dân không buồn thua hoạch |
Tại xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam), nông dân cũng lao đao khi giá rau củ quả giảm mạnh. Nếu trước Tết, giá nông sản khá cao: mướp đắng từ 35.000-70.000 đồng/kg, đậu cô-ve 20.000-30.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg,... thì từ sau Tết đến giờ, đậu cô-ve, mướp đắng chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, dưa chuột 500-1.000 đồng/kg.
Su hào vứt bỏ đầy ruộng |
Về những vựa rau này, chẳng khó để bắt gặp những ruộng cải thảo, bắp cải nứt toác, su hào, dưa chuột vứt lăn lóc, những ruộng mướp, đầu cô-ve nhuốm màu vàng úa vì người dân bỏ mặc, không thu hoạch và chăm sóc.
Hành tím Vĩnh Châu giá giảm một nửa
Không đến mức giá rẻ như cho, song những ngày sau Tết Nguyên đán 2018, người nông dân ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải bán hành tím ở mức 5.000-7.000 đồng/kg. Đáng buồn hơn, tình trạng này kéo dài cả tháng trời.
Hành tím Vĩnh Châu giá giảm một nửa |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, giá hành tím là một trong những mặt hàng giảm giá mạnh nhất tại địa phương này và chưa thấy dấu hiệu tăng lại.
Giá tiêu giảm kỷ lục
Chẳng khá khẩm hơn, thời gian này giá hồ tiêu tại Đắk Nông và Bình Phước vẫn tiếp tục giảm “xuyên đáy” và chưa có dấu hiệu ngừng lại khiến các nhà vườn trồng hồ tiêu như ngồi trên đống lửa. Giá giảm, nguồn cung tăng trong khi thị trường èo uột khách mua.
Anh Giáp Văn Hiển - một nhà vườn trồng hồ tiêu ở Bình Phước, than thở, trồng hồ tiêu hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ anh thấy giá tiêu giảm mạnh như hiện tại.
Giá tiêu giảm xuyên đáy và chưa có dấu hiệu tăng trở lại |
Theo anh Hiển, thời điểm này năm 2014, giá tiêu tăng cao đỉnh điểm, lên mức 220.000 đồng/kg người nông dân không có để bán. Sau thời điểm ấy, diện tích trồng tiêu tăng chóng mặt và giá bắt đầu giảm dần.
“Đến nay, giá tiêu còn 60.000-68.000 đồng/kg, tức giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước”, anh Hiển nói. Vụ tiêu năm trước giá 120.000 đồng/kg, anh tích 12 tấn tiêu trong nhà. Thế nhưng, đến bây giờ giá giảm đi mất một nửa nên anh đang phân vân không biết nên bán hay giữ lại.
Còn với tiêu vụ này, giá đang giảm mạnh nên vườn tiêu nào cho năng suất cao thì may hòa vốn, vườn nào năng suất thấp thì thua lỗ nặng.
Củ cải trắng 500 đồng/kg, dân đổ bỏ vài ngàn tấn
Những ngày này về cánh đồng củ cải ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội), sẽ thấy cảnh củ cải được người nông dân thu hoạch trải đầy trên ruộng trắng cả cánh đồng. Thay bằng niềm vui của một vụ củ cải được mùa, củ to đẹp, năng suất cao thì người nông dân nơi đây lại ứa nước do củ cải rớt giá mạnh.
Buồn hơn, dù giá giảm còn 500 đồng/kg nhưng vẫn không có người thu mua. Không chất củ cải lên xe để chở đi bán như những năm trước, người dân xã Tráng Việt phải chở cả vài ngàn tấn đổ bỏ xuống sông để lấy đất gieo trồng vụ rau mới.
Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra,... là vòng luẩn quẩn mà nông dân Việt Nam bao nhiều năm nay gặp phải, không thoát được ra. Theo các chuyên gia trong ngành, điểm yếu của nông sản Việt là khâu làm thị trường kém, chưa kể thói quen sản xuất của người nông dân, cứ thấy được giá lại đua nhau trồng, dẫn tới thừa cung giá giảm thê thảm và chịu thua lỗ nặng.
Bộ NN-PTNT yêu cầu hỏa tốc kiểm tra Trước thông tin báo chí phản ánh hiện tượng giá một số mặt hàng rau, củ tươi... giảm mạnh khiến người nông dân bị thua lỗ, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ Thực vật khẩn trương, tiếp tục kiểm tra những nội dung trên. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Cục đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường các mặt hàng rau, củ. |
Tác giả: Bảo Phương
Nguồn tin: Báo VietNamNet