Xã hội

Quỳnh Lưu: Cần có biện pháp xử lý môi trường của cơ sở chế biến tinh bột cá Minh Thường

Cơ sở chế biến tinh bột cá Minh Thường đóng tại xóm 7, xã Quỳnh Yên được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp phép thuê đất và xây dựng nhà máy xay bột cá. Đến nay sau gần 10 năm hoạt động, mặc dù chủ cơ sở cũng đã có các biện pháp khắc phục ô nhiễm nhưng tình trạng mùi hôi tanh của cá vẫn chưa được xử lý triệt để khiến người dân sống xung quanh bức xúc.

Cơ sở chế biến tinh bột cá làm thức ăn cho gia súc do ông Nguyễn Kim Thường làm chủ được cấp phép xây dựng và hoạt động từ năm 2007 với công suất trung bình 1.000 tấn cá tươi/năm tương đương với 300 đến 400 tấn bột khô. Với đặc thù của nguyên liệu là cá tươi được xay và nấu trong lò hấp nhiệt độ cao nên mặc dù nhà máy đã xây dựng xa khu dân cư nhưng nùi hôi tanh vẫn bốc lên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Sau khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của nhân dân và sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Kim Thường đã đầu tư 450 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý mùi hôi. Tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa triệt để, nhiều người dân địa phương vẫn phàn nàn vì mùi tanh từ cơ sở này, nhất là khi cơ sở sản xuất vào ban đêm. Một người dân sống gần nhà máy bột cá Minh Thường cho hay:“Chủ yếu nhà máy hoạt động vào ban đêm hoặc khi gió to, không khí là thở không được luôn, đi ngủ phải đeo khẩu trang. Còn về nuôi tôm mấy năm nay tôm hay chết dịch bệnh có thể do môi trường ở đây sát nhà máy cá nên khi lấy nước vào có thể nhiễm độc”.
a+1+(7)
Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy bột cá qua 8 bể lọc rồi mới thải ra sông Mơ

Ngoài vấn đề mùi hôi đặc trưng thì vào thời điểm chính vụ cá tạp, một ngày cơ sở xay nghiền và hấp 30 tấn cá tươi thì lượng nước thải đổ ra từ 6 đến 7 m3/ngày đêm cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Theo phản ánh của một số hộ dân nuôi tôm khu vực sông Mơ cho biết: Từ khi nhà máy xay bột cá mọc lên việc xả nước thải ra sông Mơ đã khiến cho việc nuôi thả tôm của các hộ gặp khó khăn, dịch bệnh nhiều gây thiệt hại về kinh tế cho bà con đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và có biện pháp khắc phục để bảo vệ tài sản cho bà con. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thường giải thích do cơ sở sản xuất bột cá nên mùi hôi tanh đặc trưng thì cơ sở ghi nhận và cố gắng khắc phục còn vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm tôm chết thì chưa có cơ sở. Vì mỗi một năm công ty đã phối hợp với ngành môi trường tiến hành quan trắc và lấy mẫu nước xét nghiệm 2 lần. Kết quả cho thấy các chỉ số vẫn đang trong giới hạn cho phép. Còn riêng cơ sở không dùng bất cứ một chất độc hóa học gì tham gia trong quá trình sản xuất nên không thể thải chất độc gây chết tôm được. Ông Thường nói thêm:“Một vài năm trước do máy móc trục trặc sơ hở nên có vài khoảng thời gian xảy ra xử lý không hết cái mùi nó lan tỏa đi theo hướng gió đi vào dân thì có một phần ảnh hưởng. Đến bây giờ tôi cũng đã khắc phục 90% về vấn đề hơi mùi, còn vấn đề độc hại là không có.”
a+2+(7)
2 năm nay cơ sở xây dựng hệ thống hơi nước để dập khí mùi khi hấp cá
a+3+(4)
Kết quả phân tích quan trắc môi trường vào tháng 5/2016 tại nhà máy bột cá

Mặc dù thời gian này cơ sở nghiền tinh bột cá sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu đầu vào, vì vậy mùi hôi thối từ việc chế biến cá đã giảm hẳn. Tuy nhiên nếu sản xuất nhiều thì mùi hôi tanh sẽ lại tiếp tục gây ô nhiễm cho người dân sống ở khu vực xung quanh. Thiết nghĩ để giải quyết bài toán môi trường, thời gian tới cơ sở cần tiếp tục đầu tư cải tiến hệ thống xử lý khí, nước thải cũng như phương tiện vận chuyển để bảo vệ môi trường. Ngoài ra các ban ngành chuyên môn cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra hệ thống nước thải của cơ sở để lịp thời xử lý nếu vi phạm các quy định về môi trường./.

Tác giả bài viết: Như Thủy (Đài Quỳnh Lưu)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP