Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thống kê những ngày vừa qua cho thấy mỗi ngày nước ta ghi nhận khoảng 150.000 - 160.000 ca COVID-19. Tuy nhiên, số người phát hiện dương tính khai báo y tế không nhiều, cũng có người không biết bản thân đang mắc bệnh. Vì thế khả năng thực tế ca bệnh ở nước ta cao hơn nhiều so với hiện tại, thậm chí ước tính cao hơn gấp vài lần.
BS Phúc ví dụ mỗi ngày Việt Nam có khoảng 500.000 F0, nếu vẫn giữ quan điểm cách ly F0 triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng tại nhà thì chỉ khoảng 10 ngày, chúng ta sẽ cách ly khoảng 5 triệu người. Nhiều người trong đó đang độ tuổi lao không được tham gia làm việc. Chúng ta cần cân nhắc việc nên cách ly F0 tại nhà hay không cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Nhiều người cho rằng đi chợ và mua thuốc là những việc cần thiết F0 phải ra ngoài. (Ảnh minh họa: Zing) |
Thực tế việc cách ly F0 tại nhà đang vướng phải quy định COVID-19 thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo luật, những người mắc dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A không được ra khỏi nhà mà chỉ cách ly tại nhà. Do chưa coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B hay bệnh chuyên khoa hoặc bệnh lưu hành nên nghiễm nhiên F0 chưa thể ra ngoài. Tuy nhiên thực tế F0 không khai báo lại ra ngoài rất nhiều.
“Theo tôi quan điểm chống dịch của chúng ta chưa theo kịp với thời đại. Số F0 quá lớn, khó kiểm soát hết được. Một số quốc gia lớn trên thế giới hiện không cách ly F0 như Anh, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... Các nước hướng đến coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Họ đề cao tính phòng vệ cá nhân, tức là tự người dân phải ý thức, trách nhiệm bảo vệ mình và không lây nhiễm bệnh cho người khác. Nếu chúng ta vẫn “vướng” trong việc COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A thì rất khó để ra quyết định không cách ly F0”, BS Phúc nhấn mạnh.
Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nêu, việc cách ly cả F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà hiện không còn phù hợp. Thực tế ai cũng biết, rất ít người tuân thủ việc khai báo y tế khi đang là F0.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà (Ảnh: Nld.com.vn) |
Bản chất của dịch bệnh COVID-19 hiện nay là những người chưa mắc cần tự bảo vệ mình. Ngoài ra, ai đang mắc bệnh cũng nên ý thức không làm lây nhiễm cho người khác.
“Biến chủng Omicron rất nhẹ, nhiều người còn không biết mình đang mắc COVID-19. Họ đi khắp nơi làm việc, gặp gỡ, muốn cản cũng khó. Vì vậy, theo tôi việc cách ly F0 tại nhà không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, chúng ta nên hướng tới ý thức của người dân. Tự F0 phải có ý thức không lây nhiễm cho người khác. Còn những ai chưa mắc bệnh thì tự phải biết bảo vệ mình, không chủ quan là được”, BS Khanh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế không đồng tình quan điểm bỏ cách ly F0 tại nhà. Ông Sơn cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay vẫn cần cách ly F0 để tạo điều kiện theo dõi sức khỏe của chính họ. “F0 ra ngoài sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cộng đồng. Ngoài ra, nếu F0 ra đường thì ai sẽ theo dõi sức khỏe được cho họ. Vì thế, việc không cách ly F0 nữa tôi thấy không hợp lý”, ông Sơn nói.
Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp, sự xuất hiện của biến chủng BA.2.2 rất nguy hiểm. Quan điểm của ngành y tế là phòng dịch nhưng phải đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân trên hết.
“Dù F0 không khai báo hoặc không biết đang mắc bệnh, nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân nếu phát hiện nhiễm bệnh nên có các biện pháp cách ly. Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn rất rõ về việc cách ly tại nhà. Còn việc không cách ly F0 nữa tôi cho là không phù hợp với dịch tại Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình và mở cửa dần dần các hoạt động để phát triển kinh tế, xã hội”, ông Sơn nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng không đồng ý với quan điểm cho F0 ra đường. Theo ông Phu, với tình hình hiện nay, F0 ra đường sẽ khiến dịch lây lan nhanh trong cộng đồng, số ca bệnh F0 tăng cao, sẽ gây quá tải hệ thống y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
“Chúng ta đang chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Kiểm soát rủi ro nghĩa là trong tình hình dịch hiện nay có thể chấp nhận một số F0 không triệu chứng mà không phát hiện ra; chứ không buông xuôi, thả lỏng được. Theo tôi, nếu hiện nay cho F0 ra đường sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như thực hiện tốt thông điệp 5K, cách ly các trường hợp mắc bệnh, khai báo y tế và kết hợp với tiêm vaccine... để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra chứ không thể lơi là được”, ông Phu nhấn mạnh.
Ông Phu không đồng tình quan điểm cho F0 ra ngoài vì sợ không ai mua thuốc, thức ăn, các đồ dùng nhu yếu phẩm. Trong tình huồng này, có rất nhiều cách để xử lý như nhờ họ hàng, anh em, bạn bè, thậm chí là shipper giao hàng đến cửa, sau đó thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
“Cơ quan chức năng hiện đã nới lỏng cho người dân thoải mái hơn rất nhiều rồi. Trước đây, cứ có F0 là cách ly, phong tỏa nhưng sao người dân vẫn tiếp cận được với thuốc men, y tế và nhu yếu phẩm dễ dàng. Giờ chúng ta không cách ly F1 nữa, F0 cũng chỉ điều trị tại nhà 5 ngày nếu âm tính là được dỡ bỏ cách ly mà vẫn không thực hiện được thì tôi cho rằng quan điểm cho F0 ra ngoài vì lý do gì cũng chưa hợp lý với tình hình hiện nay”, ông Phu nhấn mạnh.
Tác giả: Phạm Quý
Nguồn tin: Báo VTC News