Giàu lên nhờ XKLĐ
Chúng tôi về xã Mã Thành (Yên Thành) một trong những địa phương có số người đi XKLĐ chiếm tỷ lệ cao của huyện. Từ một xã nghèo vùng núi, thu nhập của các hộ dân chỉ trông chờ vào những vụ màu, cuộc sống luôn khốn khó.
Vậy mà nay, về xã Mã Thành chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi đến chóng mặt ở làng quê vốn được coi là nghèo khó này. Những ngôi nhà mái ngói thấp cũ trước đây được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường làng đều được bê tông hóa rợp bóng cây xanh.
Những ngôi nhà cao tầng khang trang ở xã Đô Thành (Yên Thành) được xây dựng từ nguồn xuất khẩu lao động. Ảnh: PV |
Ông Bùi Huy Nhuận ở xóm Đồng Bàu 1 xã Mã Thành cho biết: “Trước đây vợ chồng rất khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, khoảng 8 năm qua, cho 2 đứa con đi xuất khẩu lao động ở Đức thì cuộc sống thay đổi. Mỗi năm 2 đứa con gửi về khoảng 1 tỷ đồng”.
Ở Mã Thành, nhiều hộ gia đình khác như hộ gia đình ông Trần Đình Điểm có 3 con đi xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu gửi về từ 1,5- 1,8 tỷ đồng/năm. Ông Bùi Trọng Long – Chủ tịch UBND xã Mã Thành cho biết thêm: Tính đến thời điểm này toàn xã có khoảng trên 1.500 lao động xuất khẩu, trong đó đi các nước Đức, Anh, Pháp khoảng 500 lao động, số còn lại là đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào…
Riêng trong năm 2018 số lượng kiều hối chuyển về xã Mã Thành trên 2 triệu USD, có thể nói là lượng kiều hối “khổng lồ” so với một xã nghèo. Nhờ từ xuất khẩu lao động mà bộ mặt của Mã Thành ngày càng thay da đổi thịt. Cụ thể là tỷ lệ nghèo từ 12,5% năm 2015, thì năm 2018 tỷ lệ nghèo giảm còn 3,68%.
Thu nhập bình quân năm 2015 đạt 21 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Từ một xã nghèo nay Mã Thành đã về đích nông thôn mới năm 2018.
Phong trào xuất khẩu lao động ở xã Đô Thành hiện cũng phát triển mạnh. Nằm ở phía Đông Bắc huyện Yên Thành, giáp ranh với huyện Diễn Châu. Đô Thành vốn là xã nghèo, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Đầu thập kỷ 1990, các lao động ở Đô Thành đi XKLĐ sang các nước như Đức, Ba Lan, Nga...
Ban đầu đi với số lượng ít, nhưng sang làm ăn được nên họ đưa anh em, họ hàng cùng xuất ngoại. Vì thế lượng người đi XKLĐ ngày một tăng nhiều. Nhờ vậy, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng đổi thay.
Hiện tại Đô Thành có hơn 330 “tỷ phú” có từ 10 tỷ đồng trở lên, khoảng 2.100 ngôi nhà tầng, trên 400 xe ô tô các loại. Bên cạnh đó còn nhiều xã khác giàu lên nhờ xuất khẩu lao động, như xã Sơn Thành luôn có từ 1.500 - 1.800 con em lao động ở các nước châu Âu.
Mỗi năm người dân địa phương gửi về trên 100 tỷ đồng. Nhờ nguồn tiền đó, người dân đầu tư xây dựng nhà ở và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2018 trên địa bàn huyện Yên Thành có 15.278 người hiện đang lao động ở các nước: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Anh, Malaysia... Hàng năm con em đi lao động ở Yên Thành gửi về quê hương 200 triệu USD, tương đương gần 4,7 nghìn tỷ đồng. Ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành |
Sự đồng hành của địa phương
Nhận thức được lợi ích của công tác xuất khẩu lao động, Yên Thành đã xây dựng, triển khai, thực hiện đề án, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân làm công tác xuất khẩu lao động đến tuyển dụng lao động trên địa bàn.
Huyện tích cực tuyên truyền để từng người dân, người lao động hiểu, XKLĐ là một trong những hướng đi đúng giúp họ vươn lên thoát nghèo hiệu quả. UBND huyện đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND xã, thị trấn, các đoàn thể phối hợp hoạt động có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo phòng Lao động- TB&XH tham mưu, xử lý kịp thời những phát sinh trong tuyển dụng lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động ở Yên Thành. |
Thực hiện tốt quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong tư vấn, tuyển dụng xuất khẩu lao động. Đặc biệt huyện tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại thị trường Hàn Quốc về nước đúng hạn, cung cấp danh sách lao động hết hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc cho các xã, thị trấn để tuyên truyền vận động người lao động về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh về vay vốn, hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động tham gia XKLĐ.
Ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết thêm: Yên Thành tiếp tục mở rộng khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu lao động theo hướng duy trì các thị trường truyền thống có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời giới thiệu những đơn hàng mới, thị trường mới trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động xuất khẩu theo chương trình thực tập kỹ thuật ở Đức, điều dưỡng ở Nhật Bản, lao động kết hợp kỳ nghỉ ở Australia...
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo Nghệ An