Giáo dục

Đã đến lúc phải chuyển thư viện cổ điển sang thư viện điện tử

Theo các lãnh đạo, chuyên gia giáo dục các trường, cần xây dựng thư viện… mở trong trường học. Đã đến lúc phải chuyển từ thư viện cổ điển sang thư viện điện tử.

Một góc thư viện ở trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Dù khó khăn nhưng vẫn nên ưu tiên thư viện

GS.TS Trần Hữu Nghị cho rằng, thực thế, nhiều trường ở nước ta, trong điều kiện còn khó khăn nhưng các trường vẫn cần biết cách dành đầu tư cho thư viện.

Bởi lẽ, theo GS Nghị, thư viện là nơi tích lũy được tất cả kho tàng thế giới về tri thức. Có thư viện, thì thầy cô, học sinh mới có nơi để tham khảo. Nếu làm tốt, tiếp cận được ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại mới thì học sinh, viên viên trong cũng như bên ngoài trường cũng có thể đọc, tiếp cận được kho tàng kiến thức này.

“Quan điểm là trường nào cũng như vậy thì mới có thể xây dựng thư viện chuẩn được. Vì nếu không có thư viện, kể cả học sinh và giáo viên bị hạn chế nhiều mặt. Đây là một trong những điều kiện để đảm bảo đào tạo cho có chất lượng tốt hơn”- GS Nghị nêu quan điểm.

Một góc thư viện Oxford ở Anh. Ảnh: PGS Lê Hữu Lập

PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, nếu là trường đại học thì bắt buộc phải có thư viện để cho những sinh viên, các giảng viên và các nhà nghiên cứu (nói chung) nữa.

PGS Lập cho rằng, ở nước ta, điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng những trường quan tâm đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu đều phải phát triển thư viện một cách bài bản và đi vào hiệu quả, thực chất. Tuy vậy, số trường này chưa nhiều. Còn rất nhiều trường thư viện có cho đúng quy định mở trường, mở ngành ban đầu, còn cập nhật mới là rất ít.

GS.TS Trần Hữu Nghị cho rằng, nếu các trường có ý thức trong việc xây dựng thư viện mở thì tất cả tài liệu cũng sẽ là tài liệu mở. Vì thế, không phải chỉ giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường được sử dụng mà các em ở trường khác, tỉnh khác vẫn có thể sử dụng nguồn tài liệu này mà chỉ cần tuân thủ việc đăng ký vào thư viện.

GS Nghị cũng nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta biết làm thì việc xây dựng thư viện mở không đến nỗi tốn kém đến mức không thể không làm được. Hơn nữa, dù tốn kém đi nữa thì bản chất của vấn đề chúng ta phải có kho dữ liệu để từ đó, học sinh, sinh viên biết cái gì người ta nghiên cứu rồi để có thể tiếp cận với nền tri thức thế giới.

“Khi xây dựng được thư viện mở thì ai cần tài liệu có thể ở đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi vẫn có thể đăng ký tài khoản của mình để sử dụng tài liệu mà không mất bất kì khoản phí nào. Thực tế, việc xây dựng thư viện mở sẽ yêu cần diện tích vừa phải, không lớn lắm. Ngoài sách vở, tạp chí, sách tham khỏa, giáo khoa ra thì còn có các file dữ liệu mềm cho tất cả các nơi có thể sử dụng. Khi đó, học sinh, sinh viên cũng không nhất thiết phải đến thư viện ngồi đọc nữa mà vẫn tiếp cận được với kiến thức”- GS Nghị nhấn mạnh.

GS Nghị cho rằng, lãnh đạo nhà trường phải nhận thấy quan trọng của thư viện. Chính lãnh đạo các trường phải làm sao thư viện có được sách vở nhiều nhất để phục vụ đối tượng khác nhau, để thu hút được nhiều người đọc. Tuy nhiên, GS Nghị cho rằng, hiện nay, để làm cho các em quay về với văn hóa đọc sách, ngồi trên thư viện là việc không dễ dàng.

“Đã đến lúc phải chuyển từ thư viện cổ điển sang thư viện điện tử lúc đó thì diện tích không cần lớn mà vẫn đủ sách vở, tài liệu. Làm thế nào để người đọc không tốn tiền, người không có tài chính vẫn đọc được. Đố chính là thư viện mở”- GS Nghị nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo GS Nghị, cần có sự liên kết với các trường, sử dụng tài liệu dạng điện tử, để chúng ta cùng nhau chia sẻ, học sinh, sinh viên tiếp cận không cần mất phí.

Còn PGS Lê Hữu Lập cho rằng, để làm cho hoạt động thư viện hiệu quả, trong điều kiện kinh tế khó khăn thì các trường phải liên kết cả trong nước và quốc tế, không ai đầu tư hết mọi thứ được.

“Xúc tiến nối mạng thư viện các trường đại học trong nước và quốc tế là việc nên được quan tâm hàng đầu. Do vậy, phải đẩy mạnh sự hợp tác, chia sẻ tài nguyên của thư viện. Đầu tư các trang thiết bị thư viện đủ mạnh để lưu trữ và truy cập nhanh vào các tài liệu điện tử. Phát triển mạnh thư viện điện tử là hướng đi hiệu quả nhất, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay”- PGS Lập nêu quan điểm.

Tác giả: ĐỖ HỢP

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP