Giáo dục

Độc đáo mô hình thư viện di động tại trường học vùng cao

Thư viện sách mini được bố trí nhiều ngăn với đầy đủ các thể loại truyện cổ tích, truyện tranh... có thể di chuyển khắp sân trường nhằm tạo môi trường đọc sách ở ngoài trời đang là mô hình được xây dựng tại một số trường học trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Châu.

Thư viện di động tại trường Tiểu học Châu Hạnh 1. Ảnh: Bé Vinh

Mới đưa vào hoạt động được hơn 1 tuần nhưng thư viện di động được các em học sinh tại trường Tiểu học Châu Hạnh 1 rất yêu thích. Em Hoàng Thị Yến Nhi, một học sinh của trường cho biết: "Việc đọc sách 15 phút đầu giờ dưới những tán cây cùng bạn bè, khác hẳn so với việc đọc sách trong phòng thư viện, bởi chúng em cảm thấy rất thoải mái".

Giáo viên trường Tiểu học Châu Hạnh 1 chuẩn bị sách cho các em đọc vào đầu buổi sáng. Ảnh: Bé Vinh

Tại trường Tiểu học Châu Bình 2, ngoài việc tổ chức đọc sách 15 phút đầu giờ, trường còn bố trí các em ở khối lớp 4, lớp 5 kể chuyện cho các em khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 nghe. Cô Nguyễn Thị Thái – Hiệu trưởng trường Tiểu học Châu Bình 2 cho biết: Với các em khối lớp 3 trở xuống, việc đọc sách mới chỉ tạo thói quen, vì vậy việc bố trí các em khối lớp lớn hơn kèm cặp, đọc và kể các câu chuyện trong sách, sẽ giúp các em hiểu sâu hơn ý nghĩa của mỗi câu chuyện.

Các em học sinh say sưa đọc sách đầu giờ. Ảnh: Bé Vinh

Được biết, để xây dựng được thư viện di động như hiện nay, cùng với đóng góp của tập thể giáo viên, các trường còn nhận được sự đóng góp từ các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, các đầu sách được bổ sung tập trung vào các loại sách có nội dung ngắn, truyện tranh có minh họa sinh động để giúp các em dễ đọc, dễ hiểu.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình thư viện di động mà một số trường đã xây dựng, sẽ là cơ sở để ngành Giáo dục Quỳ Châu mở rộng ra 37 trường học trên địa bàn, xem đây là cách đưa văn hóa đọc đến gần hơn với học sinh, nhất là học sinh miền núi còn nhiều khó khăn như ở Quỳ Châu.

Tác giả: Bé Vinh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP