Trong tỉnh

Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động

Sáng 29/12, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Quán triệt phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành TT&TT.

Việc hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế phát triển ngành TT&TT tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN. Hạ tầng số được phát triển đồng bộ phục vụ chuyển đổi số quốc gia và dẫn dắt phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tiến tới phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách nhằm chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến báo chí và người dân.

Năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2023, định hướng năm 2024 sẽ là năm ngành TT&TT thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham luận về các giải pháp đảm bảo cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính; mục tiêu và giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 – 2025; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin viễn thông tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số; định hướng, chiến lược phát triển lĩnh vực chuyển đổi số năm 2024 – 2025; thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bộ TT&TT đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ngành TT&TT là ngành đặc thù, vì vậy cần có những chính sách đặc thù cho lĩnh vực này. Chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng cần tiếp tục tạo ra sự đột phá, sáng tạo về tư duy, nhận thức, hành động; cần tạo ra sự hứng khởi, sự thú vị để mọi người làm theo trong chuyển đổi số; vận động thực hiện và thực hiện theo các quy định.

Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng cạnh tranh để báo chí sống được với nghề, trước hết phải thực hiện giai đoạn 2 Đề án sắp xếp cơ quan báo chí, hoàn thành vào năm 2025; quan tâm đến hoạt động của Nhà xuất bản... “Cần tử tế với công việc, tử tế với các đối tượng quản lý của mình, tử tế với đối tác, tử tế với những người thuộc quyền, tử tế với pháp luật” - Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP