Trong nước

Phó bí thư Quảng Bình: 'Chúng ta có cần Formosa đến 70 năm'

Dồn dập hỏi khi nào đánh cá vùng gần bờ được; khi nào yên tâm ăn hải sản; khi nào môi trường biển an toàn, Phó bí thư Quảng Bình đặt vấn đề: “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm, một quả bom môi trường".

Sáng 29/7, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội đầu tiên của Quốc hội khoá 14 ghi nhận nhiều ý kiến về sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Đại biểu Trần Công Thuật (Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) cho hay, ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, cả về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và làm giảm lòng tin của nhân dân.

“Sự cố này làm cho nền kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động gây ra sự cố môi trường vừa rồi của Formosa”, ông Thuật nhấn mạnh.

Theo Phó bí thư Quảng Bình, cần tránh tình trạng lúng túng, thiếu nhạy bén trước sự cố vừa qua, khi nhân dân cho rằng đây là sự cố rất nghiêm trọng và lo lắng thì một số lãnh đạo, cơ quan chức năng phát biểu, trả lời thiếu khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục khiến cho tình trạng càng phức tạp hơn.

Ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình. Ảnh: Báo Quảng Bình

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình dồn dập đưa ra các câu hỏi đề nghị cơ quan chức năng ở Trung ương làm rõ và trả lời: Khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được; khi nào thì yên tâm ăn hải sản được; khi nào thì môi trường biển an toàn? “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không, một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng”, ông Thuật nói.

Đề cập đến việc trong báo cáo của Chính phủ về sự cố môi trường do Formosa gây ra có câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”, đại biểu Thuật nêu băn khoăn: "Hiểu như thế nào trong trường hợp Formosa? Nhân dân Quảng Bình đề nghị Chính phủ thay câu khác phù hợp hơn. Đây là đạo lý của người Việt Nam, nhưng không thể lạm dụng lòng tốt của người Việt Nam trong sự việc này được".

Cũng đến từ một tỉnh chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường Formosa, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, còn gì buồn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển, và không chỉ ngư dân mà khách sạn, nhà hàng đình trệ; khách du lịch tới Quảng Trị giảm còn 1/10 so với năm 2015.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc. Trong vấn đề này, không chỉ cần tìm ra câu trả lời rõ ràng, minh bạch, mà còn phải nhanh chóng rà soát pháp luật để răn đe các nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đời sống người dân. Bên cạnh đó có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức.

Dẫn lại câu nói của một đại biểu Quốc hội “con đường dài nhất của Việt Nam là từ lời nói tới hành động”, đại biểu Đồng mong rằng con đường này sẽ được rút ngắn trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay, người dân vẫn chờ câu trả lời bao giờ biển như xưa. Nếu không trả lời được câu hỏi này, cần xem lại sự tồn tại dự án Formosa.

Ông Tám đề nghị tổng kiểm tra các dự án đã, đang đầu tư, nhất là dự án nhà máy ven biển, kiên quyết xử lý nghiêm, kể cả dừng đầu tư. “Cử tri đánh giá cao ý kiến của Thủ tướng không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, mong Chính phủ hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, ông Tám nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, về sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, xác định nguyên nhân, đối tượng và có biện pháp khắc phục thiệt hại, hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém, phát hiện xử lý vi phạm còn chưa kịp thời...

Tác giả bài viết: Võ Hải - Hoài Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP