Du lịch

Phi công tiết lộ lý do hành khách phải tắt điện thoại trên máy bay

Điện thoại di động không hẳn là nguyên nhân gây tai nạn máy bay, nhưng có thể khiến phi công mất tập trung vào thời điểm quan trọng.

Trên chuyến bay, tiếp viên luôn nhắc nhở hành khách tắt nguồn hoặc bật chế độ máy bay "Airplane Mode" trên điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay. Một số người có thể không hiểu tầm quan trọng của việc này nên không tuân thủ. Vậy điều này ảnh hưởng ra sao đến an toàn của chính hành khách?

Hiện chưa có bằng chứng nào chỉ ra điện thoại di động hay các thiết bị điện tử có thể gây tai nạn máy bay. Tuy nhiên, điện thoại hoạt động lại ảnh hưởng tới chất lượng chuyến bay.

Phi công Mỹ Patrick Smith nhận định việc tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử không thực sự liên quan tới an toàn bay, mà nhằm giúp hành khách có một chuyến bay dễ chịu hơn.

"Điện thoại di động không hẳn gây ra rắc rối với buồng lái, đặc biệt là trên các máy bay hiện đại với thiết kế lớp vỏ che chắn cẩn thận, nhưng tác động của điện thoại vẫn đáng kể", Smith nói.

Anh tiếp tục: "Điện thoại có thể gây ra vấn đề xã hội nhiều hơn là về kỹ thuật. Bạn có thực lòng muốn ngồi trên một chuyến bay và nghe 200 người trò chuyện rôm rả cùng lúc không? Có thể các hãng hàng không đang sử dụng quy định về an toàn kỹ thuật đơn thuần như một biện pháp ngăn các cuộc trò chuyện di động dùng dữ liệu internet trên máy bay".

Hành khách nên "hy sinh" vài phút sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay vì sự an toàn của chính mình. Ảnh: Lonely Planet.

Lời giải thích của Smith có nhiều nét tương đồng với câu trả lời của một phi công ẩn danh trên Reddit rằng: "Chuyện tắt thiết bị điện tử và di động không gây ảnh hưởng gì trong 99,99% thời gian bay".

"Tuy nhiên 0,01% thời gian còn lại là thứ chúng tôi lo lắng. Phần lớn điện thoại ngày nay như iPhone và điện thoại Android không hoạt động trên cùng tần số với hệ điều khiển máy bay. Nhưng một anh chàng dùng chiếc điện thoại di động sản xuất tại Mông Cổ vào năm 1996 sẽ gây rắc rối lớn", phi công ẩn danh chia sẻ.

Do đó, thay vì tốn thời gian kiểm tra từng chiếc điện thoại được mang lên máy bay, các hãng hàng không có thể thực hiện giải pháp đơn giản hơn cấm sử dụng.

"Chúng tôi có thể dành thời gian để xem xét thiết bị điện tử của tất cả hành khách, nhưng chuyện đó sẽ tốn thời gian, hoặc hành khách cũng chẳng hề ghi nhớ hay hiểu rõ chuyện này. Vì vậy, làm ơn hãy tắt mọi thiết bị điện tử cầm tay khi chúng tôi cất cánh hoặc hạ cánh", anh kết luận.

Giai đoạn cất và hạ cánh của máy bay được xem là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi chuyến bay, đòi hỏi đội ngũ phi hành đoàn phải tập trung cao độ, liên lạc thường xuyên với trạm kiểm soát không lưu và đảm bảo hoạt động của tất cả trang thiết bị trên máy bay. Thực tế, những tai nạn nguy hiểm đều tập trung ở hai giai đoạn này, kéo dài khoảng 15 đến 20 phút để đạt được độ cao hơn 3.000 mét.

Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) nhận định các thiết bị điện tử gây ảnh hưởng xấu đến thông tin liên lạc và định vị máy bay. Cơ quan này giao cho các hãng hàng không tự quyết định thiết bị điện tử nào được dùng trên máy bay. Hầu hết hãng hàng không đều tuân thủ theo hướng dẫn của FAA rằng chỉ được dùng khi máy bay ở độ cao hơn 3.000 mét, để phi công có đủ thời gian xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Tác giả: Bảo Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: máy bay ,phi công ,hành khách

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP