Thác Khe Kèm, Vườn quốc gia Pù Mát thuộc huyện Con Cuông thu hút đông khách du lịch. |
Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, nằm cạnh sông Lam, cách trung tâm huyện khoảng 1 km với hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bao đời nay, người dân nơi đây chỉ quen với nương rẫy. Khi được huyện chọn làm điểm du lịch cộng đồng, Ban quản lý bản xác định trước tiên phải khai thác hết những giá trị văn hóa truyền thống là thế mạnh địa phương từ các món ẩm thực, đến các phong tục, lễ hội, trò chơi dân gian…
Nhờ được hướng dẫn và tự học hỏi, đến nay, người dân đã tự tin đón du khách. Bản Khe Rạn đã hình thành Tổ dịch vụ ẩm thực với sự tham gia của 12 thành viên là phụ nữ chuyên phục vụ các món đặc trưng của người Thái. Hai đội văn nghệ có thể phục vụ các đoàn khách từ 60 đến 70 người. Ban ngày thì đi làm nương rẫy và làm các món đặc sản truyền thống như: xôi ngũ sắc, cơm lam, canh bồi đọt mây, thịt nướng, hò mọc, cá mát nướng..., buổi tối, các sơn nữ với những bộ trang phục Thái biểu diễn trong điệu múa truyền thống phục vụ du khách.
Nằm phía tây nam, huyện Con Cuông được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Để khai thác hết lợi thế, những năm qua, huyện đang từng bước tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm. Năm 2016, lượng du khách đến Con Cuông tăng đột biến với hơn 35 nghìn lượt người (trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm huyện chỉ đón khoảng 10 nghìn lượt người). So với các địa phương khác trong tỉnh, điểm đặc biệt nhất của Con Cuông đó là sự đa dạng trong các tua du lịch. Điểm đến hấp dẫn nhất là Vườn quốc gia Pù Mát, một thắng cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ cùng thưởng thức các món ăn đặc sản của người bản địa “Cơm mường Quạ, Cá sông Giăng”. Bên cạnh đó du khách còn được khám phá những thắng cảnh tuyệt đẹp như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, khe nước Mọc, sông Giăng và tìm hiểu về các loài sinh vật quý hiếm khác.
Miền tây Nghệ An là vùng đất đa dạng về văn hóa với múa sạp, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; điệu “xuối, lăm, khắp” của người Thái; hát tơm của dân tộc Khơ Mú;... Phong tục tập quán và lễ hội rất phong phú, đậm chất dân gian: Lễ hội Làng Vạc ở Nghĩa Hòa; Lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong; Lễ hội Hang Bua; Lễ hội Mường Ngam ở Quỳ Châu...
Hiện nay, Nghệ An đã xây dựng được một số điểm mô hình du lịch cộng đồng như: Bản Khe Rạn (huyện Con Cuông), bản Nưa, bản Xiềng (huyện Con Cuông); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) và một số tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch nội vùng, nội tỉnh. Tuy nhiên, con số lượt khách đến du lịch trong thời gian gần đây còn quá ít so với tiềm năng. Trong khi đó, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu của khách lưu trú. Do vậy, doanh thu về du lịch còn thấp...
Theo Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Sơn, hiện tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát là đơn vị chủ trì thực hiện mô hình du lịch cộng đồng nhưng lâu nay việc giới thiệu, liên doanh, liên kết chưa được chú trọng và đầu tư bài bản. Trên thực tế, lượng khách đến Pù Mát khá đông nhưng chủ yếu là tự phát, đi về trong ngày chứ chưa lưu trú để thưởng thức các nét văn hóa vùng, miền. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chất lượng nguồn lao động của địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu sự liên kết trong công tác chỉ đạo của các ban, ngành, ngoài ra còn thiếu các dự án hỗ trợ ban đầu về du lịch cộng đồng cho người dân.
Để khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở miền tây Nghệ An, tăng nguồn thu cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, trước hết cần phải xây dựng quy hoạch phát triển trên toàn địa bàn. Trong đó cần xác định rõ du lịch cộng đồng là loại hình du lịch gắn liền với cộng đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Muốn du lịch cộng đồng phát triển, tỉnh Nghệ An cần hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và du lịch; nâng cao trình độ dân trí, nhất là trình độ chuyên môn về du lịch; hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản về vật chất để tạo điều kiện ban đầu phục vụ du khách. Ngoài ra, cần nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa của các dân tộc, bảo đảm tính bền vững của việc phát triển du lịch cộng đồng. Cần xã hội hóa đầu tư cho du lịch cộng đồng: Một là, kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các đoàn lữ hành quốc tế và chính quyền địa phương. Hai là, lồng ghép các chính sách xóa đói, giảm nghèo trong phát triển du lịch cộng đồng. Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về du lịch cộng đồng một cách thường xuyên. Bốn là, các ngành chức năng cần thật sự vào cuộc để tạo mọi điều kiện cho miền tây Nghệ An phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững...
Tác giả: MINH THƯ và THÀNH CHÂU
Nguồn tin: Báo Nhân dân