Kinh tế

Phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững

Khơi dậy ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân; các địa phương cần động viên, khuyến khích hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, đặc biệt phải nghiêm túc việc bình xét hộ nghèo một cách công khai, dân chủ, từ đó mới góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững ở miền núi.

Khoảng 4 năm trở lại đây, rất nhiều người dân ở huyện miền núi Con Cuông đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Và sau khi được xét cho ra khỏi hộ nghèo, những gia đình này đã vay vốn ngân hàng để sản xuất và có thu nhập ổn định. Bà Can Thị Hiệu, bản Mét, Lục Dạ, Con Cuông nói: Khi mình được vào hộ nghèo, mình cảm thấy xấu hổ nên mình tự phấn đấu. vay vốn mua trâu, mua bò nuôi để vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ nghèo người Thái tại xã Lục Dạ - Con Cuông mạnh dan vay vốn để chăn nuôi trâu bò để phát triển kinh tế.

Để giúp người dân giảm nghèo, thời gian qua tỉnh đã có chủ trương phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng biên giới xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất. Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng thực hiện từ tháng 8/2014 đến nay đã đem lại kết quả cao, với tổng số tiền gần 55 tỷ đồng.

Việc làm này đã tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế hộ gia đình đối với bà con sống tại khu vực rẻo cao, biên giới. Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Trước hết, phải tuyên truyền, vận động cho bà con nâng cao nhận thức, khắc phục được tư tưởng trông chờ ỷ lại, và xây dựng quyết tâm, ý chí vươn lên thoát nghèo; Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lại cách thức sản xuất, từ đó, bà con mới nâng cao được thu nhập.


Mô hình nuôi gà đen bản địa đang được Tổng đội TNXP tại Na Ngoi chuyển giao cho bà con thoát nghèo.

Thông qua các chương trình, dự án của nhà nước, nhiều công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, công trình nước sinh hoạt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, công trình nước sinh hoạt cũng được xây dựng, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân thụ hưởng.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến việc xóa nghèo bền vững, đó chính là bên cạnh các chính sách hỗ trợ thì chính nỗ lực vươn lên của người dân vẫn là vấn đề cốt yếu. Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Xóa nghèo bền vững nghĩa là trên mảnh đất mình đang sống, cùng với các chính sách hỗ trợ, bà con phải sản xuất, tự mình nuôi sống mình. Tiếp đó, mới tạo ra hàng hóa để giao lưu với thị trường.


Hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo là cách thoát nghèo bền vững cho người dân xã Tri Lễ - Quế Phong.

Kết quả giảm nghèo ở Nghệ An vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo có giảm, nhưng tái nghèo cũng còn cao. Do đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nắm chắc chính sách của Nhà nước, khơi dậy ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân.

Hơn nữa, các địa phương cần động viên, khuyến khích hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, đặc biệt phải nghiêm túc việc bình xét hộ nghèo một cách công khai, dân chủ, từ đó mới góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững ở miền núi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP