Trong nước

Phát hiện sai phạm, thiếu sót ở hàng loạt dự án, khu du lịch... ở Ninh Bình

Thanh tra Chính phủ mới chỉ ra hàng loạt dự án lớn ở tỉnh Ninh Bình có vi phạm trong sử dụng đất đai, thuê đất, chuyển nhượng,...

Hàng loạt dự án vi phạm về đất đai, xây dựng

Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng; công tác quy hoạch tại tỉnh Ninh Bình.

Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình

Qua kiểm tra 18 dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện 7 dự án có thiếu sót, vi phạm về công tác quy hoạch như phê duyệt quy hoạch chưa đúng tỷ lệ, chưa điều chỉnh quy hoạch chung, chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên hoặc quy chuẩn xây dựng. Dự án có quy mô trên 5ha nhưng không lập quy hoạch chi tiết 1/500, không bố trí nhà ở xã hội. 5 dự án đó, gồm: Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái; Bến xe khách phía đông TP Ninh Bình; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; Khu dân cư Bình Minh, huyện Nho Quan; Khu công nghiệp Gián Khẩu; Khu đô thị mới phía bắc TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư.

7 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong xác định tiền sử dụng đất, thuê đất, chưa xác định bổ sung tiền thuê đất (điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tăng diện tích sàn), chậm nộp tiền thuê đất, không điều chỉnh đơn giá thuê đất sau khi hết chu kỳ ổn định 5 năm, miễn giảm tiền thuê đất. Cụ thể, gồm các dự án Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Trung tâm thương mại dịch vụ Tân An; Chợ đầu mối tổng hợp TP Ninh Bình; 3 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Khánh Thượng); Bến xe phía đông TP Ninh Bình.

Thanh tra phát hiện tại 5 dự án, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền (Chợ đầu mối tổng hợp TP Ninh Bình; Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hà Thành, Phước Lộc; Nhà hàng và cơ sở sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xã Vân Giã, huyện Gia Viễn; Kho xăng dầu Hà Anh; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan). Dự án Bến xe khách phía đông TP Ninh Bình chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với một phần diện tích, 3.738m2.

Tại Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp chứng nhận đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch chi tiết, chưa đảm bảo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.

UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất với 3 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai. Chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp này bị kết luận chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất.

Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 6 dự án trong khu công nghiệp chưa đảm bảo hồ sơ theo yêu cầu.

Kết luận thanh tra nêu rõ: "Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất có lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án đô thị không đúng thẩm quyền, vi phạm Nghị định 30/2015 của Chính phủ". Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, xử lý đối với những vi phạm nêu trên. UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước (trường hợp cần thiết, phối hợp với các bộ ngành liên quan) kiểm tra, rà soát việc chuyển nhượng, xác định giá chuyển nhượng 66.842.700 cổ phiếu (75% vốn sở hữu) tại Công ty PV-Inconess từ Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Vietinbank sang TCG Land liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái và Dự án Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng. Đảm bảo việc xác định giá cổ phiếu và việc chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật.

Chưa làm tốt kê khai tài sản, thu nhập

Đối với công tác thanh tra giai đoạn 2016 – 2022, TTCP kết luận một số cơ quan ở tỉnh này chưa chú trọng công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu; có đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thanh tra được phê duyệt; một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục.

Việc xử lý đơn thư còn chậm ban hành nội quy, quy chế; tiếp công dân định kỳ của một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa đủ số ngày; công tác chỉ đạo, đôn đốc sau tiếp công dân chưa tốt, chưa kịp thời; việc phân loại, xử lý đơn còn nhầm lẫn về nội dung, chưa xem xét đúng bản chất vụ việc.

Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có một số vụ không ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khi công dân rút đơn; chậm thụ lý, chưa đảm bảo thời hạn giải quyết, chưa công khai quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, TTCP cho rằng một số cơ quan chưa lập kế hoạch tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra; nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCTN 2018 về công tác kê khai tài sản, thu nhập, nhiều bản kê khai được kiểm tra chưa đúng, chưa phù hợp với hướng dẫn…

Đề nghị xử lý tài chính hàng trăm tỷ đồng

Trong quản lý sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2022, TTCP kết luận việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa ở Ninh Bình còn 48 công trình, dự án nợ trên 50,7 tỷ đồng; 79 dự án khác nợ tiền thuê đất hơn 194 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 942 công trình, dự án phục vụ mục đích về đích nông thôn mới có nguồn gốc đất công ích, đất do nhân dân tự nguyện hiến nhưng đến thời điểm thanh tra, các trường hợp này chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, tiềm ẩn khiếu kiện sau này; 320 trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với 91,30ha; 197 trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng công trình không phép.

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình rà soát, hướng dẫn người có nghĩa vụ kê khai tài sản nhận thức, hiểu đúng quy định pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập; khẩn trương sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế tiếp công dân tại các đơn vị còn thiếu; mở sổ ghi chép, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, đôn đốc sau tiếp công dân, sau giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý sau thanh tra.

Đối với sai phạm trong quản lý đất đai, UBND tỉnh cần hoàn thành thủ tục về đất đai theo quy định đối với các công trình, dự án phục vụ về đích nông thôn mới có sử dụng đất không đúng với hồ sơ địa chính; rà soát việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung (nếu có) để thu về ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, cần xử lý dứt điểm hơn 50,7 tỷ đồng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa ở Ninh Bình và hơn 194 tỷ đồng của 79 dự án nợ tiền thuê đất.

TTCP cũng kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm.

Quá trình thực hiện kết luận thanh tra nếu phát hiện trường hợp gây thất thoát ngân sách, dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển Cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Tác giả: Văn Ngân

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP