Ngày 29-10, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đang tiến hành xử lý 10 trường hợp là nhân viên trong các cơ sở y tế sử dụng bằng cấp không hợp pháp.
Phát hiện 10 nhân viên ngành y tế Đắk Lắk sử dụng bằng cấp giả |
Theo ông Nay Phi La, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo xử lý và báo cáo về việc phát hiện 10 nhân viên y tế dùng bằng cấp không hợp pháp. Hiện nay sở y tế đang giao cho các đơn vị liên quan thực hiện. "Quan điểm của Sở Y tế, trong 6 trường hợp dùng bằng tốt nghiệp THPT giả thì buộc thôi việc. Những trường hợp còn lại thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì sẽ yêu cầu bổ sung trong thời gian nhất định" – ông Nay Phi La cho biết thêm.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cùng công an một số tỉnh, thành phố phối hợp xác minh bằng cấp của một số trường hợp tuyển dụng vào ngành y tế. Qua đó, phát hiện 10 trường hợp là nhân viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại một số trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện lao phổi, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sử dụng bằng cấp không hợp pháp. Trong đó, có 4 chứng chỉ tin học, 4 chứng chỉ ngoại ngữ và 6 bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.
Từ đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thu hồi các quyết định tuyển dụng, buộc thôi việc các trường hợp sử dụng bằng cấp không hợp pháp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra phát hiện; trước khi ra các quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng phải thẩm tra, xác minh tính hợp pháp các loại bằng cấp.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng bằng cấp không hợp pháp để được tuyển dụng vào làm việc trong ngành y tế đã vi phạm pháp luật, gây dư luận xấu trong cơ quan và quần chúng nhân dân, gây thiệt hại đối với cơ quan nhà nước. Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành y tế đã không thực hiện đúng các quy trình xét tuyển được quy định trong phương án xét tuyển đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Không phối hợp với các cơ quan chức năng đối chiếu, kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ gốc có liên quan trước khi ra các quyết định tuyển dụng.
Theo một lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk, những người này đã mua bán các bằng cấp, chứng chỉ để vào cơ quan nhà nước, tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến chất lượng bộ máy. "Chúng tôi cũng đề nghị người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm phát giác các trường hợp buôn bán, sử dụng bằng cấp không hợp pháp để tố giác tới cơ quan chức năng" - vị lãnh đạo cho biết thêm.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, cơ quan chức năng quyết định kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và buộc thôi việc. Lý do là bà Sa đã sử dụng bằng cấp, tên tuổi của chị gái mình để công tác và thăng tiến. Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Thân, Phó trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức Phó trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành thu thập, nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và kết nạp đảng viên đối với bà Thảo và bà Thân. Căn cứ kết quả xác minh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ báo cáo, tham mưu cho Ban thường vụ Tỉnh ủy xử lý. Hiện nay đang trong quá trình kiểm tra, sau khi có kết quả, Văn phòng Tỉnh ủy sẽ tiếp tục thông tin đầy đủ đến cơ quan báo chí.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để lọt bằng giả
Theo ông Nguyễn Thượng Hải, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo tất cả các cơ quan rà soát lại hồ sơ cán bộ công chức và báo cáo về Tỉnh ủy. Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu những cá nhân đứng đầu đơn vị phải báo cáo đầy đủ các trường hợp dùng bằng cấp không hợp pháp và xử lý nghiêm theo quy định. Nếu sau này, phát hiện cá nhận nào sử dụng bằng cấp không hợp pháp mà quá trình rà soát không phát hiện thì người đứng đầu đơn vi đó phải chịu trách nhiệm.
Tác giả: Cao Nguyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động