Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, sự kiện vừa qua sẽ có tác động rất tích cực lên nền kinh tế Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngắn hạn: cải thiện giao thông, tăng cường năng lượng sạch
Những lợi ích dễ nhìn thấy trong ngắn hạn là thông qua các hợp đồng kinh tế được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Obama. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai “siêu hợp đồng” của Vietjet Air: thứ nhất là việc Vietjet Air mua 100 máy bay Boeing 737 trị giá ước tính là 11,3 tỷ USD, sau đó là hợp đồng mua động cơ và bảo dưỡng với Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp lên tới 3,04 tỷ USD.
Tổng thống Obama đối thoại với giới startup Việt. Ảnh: Lê Quân.
Nếu như hai hợp đồng trên nâng cao năng lực vận tải của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, gián tiếp thúc đẩy thông thương nội địa, cam kết của General Electric (GE) về việc phát triển điện gió mở ra lối đi mới cho ngành điện đang đối diện với rất nhiều vấn đề. GE kí biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về việc sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của 1,8 triệu hộ dân trước năm 2025 bằng các trang trại điện gió.
Không chỉ có phong điện, các dự án khác sử dụng năng lượng tái tạo như thoả thuận mua tấm pin mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân (trị giá 35 triệu USD), dự án phát triển điện sinh khối (Nhà máy Biomass Minnesota), cũng được kí kết. Mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng đây có thể coi là một bước tiến quan trọng để ngành năng lượng Việt Nam thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc vào thuỷ điện và nhiệt điện, vốn có tác hại rất lớn đến môi trường.
Việt Nam là một trong những nước có rất nhiều tìm năng về năng lượng tái tạo, tuy nhiên, do hạn chế về mặt công nghệ và vốn, chúng ta chưa khai thác được nhiều. Với các dự án kể trên, Việt Nam sẽ có cơ hội đi cùng xu hướng của thời đại về việc sử dụng năng lượng thay thế.
Như vậy, lĩnh vực của các thoả thuận kinh doanh nói trên tập trung vào những mảng còn yếu của Việt Nam, bao gồm năng lực vận tải và năng lượng sạch.
Ngoại trừ hợp đồng của Vietjet Air, những thoả thuận khác là không lớn về quy mô, nhưng có ý nghĩa bản lề cho việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và “sạch” hơn về sau.
Thiết lập nền tảng dài hạn
Về dài hạn, chuyến thăm của ông Obama có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc thiết lập các nền tảng tăng trưởng vững chắc trong dài hạn cho Việt Nam.
Thứ nhất là cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về thể chế, quyền của người lao động, quyền sở hữu trí tuệ, và phát triển bền vững. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai để bắt đầu quá trình “Đổi mới 2.0”.
Đây không phải là những lời hứa suông, mà là một phần những cam kết được thể hiện trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết giữa 12 quốc gia, hoặc trong văn bản song phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Tổng thống Obama ăn bún chả tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn
Thứ hai, một trong những điểm tập trung chính trong chuyến thăm của ông Obama là hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt – Mỹ. Điều này được thực hiện thông qua ba biện pháp chủ yếu: đầu tiên là việc xây dựng trường Đại học Fulbright, đại phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, dự kiến tuyển sinh vào mùa thu năm nay. Với các giảng viên chất lượng cùng với chương trình học hiện đại, rõ ràng đây sẽ là điểm đào tạo nhân lực chất lượng cao quan trọng, ít nhất là cho các công ty Mỹ đầu tư ở Việt Nam.
Thêm vào đó, Tổng thống Obama cũng cam kết tiếp tục thực hiện chương trình đưa các lãnh đạo trẻ của Việt Nam học tập ở Mỹ, như Fulbight, VEF, và YSEALI. Việt Nam có đến 13 nghìn thành viên của Chương trình Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), chỉ đứng sau Indonesia. Thành công của những chương trình này có lẽ không cần phải bàn cãi, khi đánh giá đóng góp của các “Fulbrighter” hiện giữ nhiều vị trí chủ chốt trong các tổ chức kinh tế, chính trị, và xã hội.
Hiện tại có ba lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước (Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân, và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát) từng học tập ở Mỹ theo học bổng Fulbright.
Cùng với các chương trình đào tạo chính quy, trong bài phát biểu của mình trước giới trẻ ở TP HCM ông Obama cho biết Đoàn Hoà bình (Peace Corps), một tổ chức tình nguyện của chính phủ Mỹ, sẽ bắt đầu tổ chức đào tạo tiếng Anh cho người Việt. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi cải thiện khả năng của ngôn ngữ phổ biến nhất toàn cầu rõ ràng mà một điều kiện hội nhập bắt buộc với nguồn nhân lực nước ta.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự cuộc trao đổi với hơn 600 bạn trẻ của Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại TP HCM. Ảnh: Lê Quân
Thứ ba, với việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đồng thời tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam, chính phủ Mỹ gián tiếp cho thấy cam kết của mình trong việc giữ ổn định tình hình biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hiện diện quân sự trên các vùng biển tranh chấp.
Biên bản ghi nhớ giữa PVN và Công ty dầu Murphy (Mỹ) trong chuyến thăm vừa qua nhằm đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu thô trên biển Đông, củng cố niềm tin rằng Washington sẽ không để Bắc Kinh gây hấn một cách dễ dàng.
Trong những bước đầu tiên, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam gần 50 triệu USD hỗ trợ an ninh hàng hải (từ năm 2014), và sẽ cung cấp 18 tàu tuần tra biển MetalShark cũng như đào tạo kĩ năng cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam.
Thứ tư, cùng với hợp đồng của GE và Biomass Minnesota như đề cập ở trên, hai chính phủ Mỹ - Việt còn chung tay nhau trong chiến lược phát triển bền vững, với những cam kết thực hiện kết của của Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế có lượng khí thải thấp. Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng hạt nhân sạch bằng việc xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, và hỗ trợ về mặt kĩ thuật.
Như vậy, có thể tổng kết sơ qua những tác động dài hạn sau chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam tập trung ở các mặt thể chế kinh tế, giáo dục, đảm bảo an ninh biển, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đó cũng đều là những “bài toán” mà chính phủ đang tìm lời giải.
Nếu “quy ra thóc”, giá trị của những dự án được kí kết trên không quá lớn, nhưng xét về ý nghĩa chiến lược trong dài hạn, sẽ không nói quá khi cho rằng nếu thực hiện được, đây sẽ là bước ngoặt trong tiến trình phát triển “dân giàu nước mạnh” của Việt Nam.
Cần phải nhấn mạnh rằng, những kết quả như trên chưa hoàn toàn chắc chắn, kể cả TPP thậm chí có thể bị Quốc hội Mỹ phủ quyết hoặc tổng thống mới đảo ngược quyết định của ông Obama. Chính sách “Xoay trục về châu Á” thực hiện dưới hai nhiệm kỳ tổng thống vừa qua có thể thay đổi, và dẫn đến việc mối quan tâm của Mỹ có thể bị chuyển hướng.
Tuy vậy, chính sách ngoại giao của bất kì quốc gia nào cũng không phải do một người quyết định, mà đứng phía sau đó là hướng đi chung của cả hệ thống. Do đó, dù ông Donald Trump hay bà Hilary Clinton lên nắm quyền cuối năm nay, mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ khó mà đảo chiều, ít nhất trong trung hạn.
Như lời “lẩy Kiều” của Tổng thống Obama trong bài phát biểu trước người dân Việt Nam, những cam kết trên mới chỉ là “Của tin gọi một chút này làm ghi” để bắt đầu cho một mối quan hệ bền vững trăm năm giữa hai quốc gia từng là cựu thù.
Tác giả bài viết: Khắc Giang