Tôi đã nuôi mơ ước học giỏi rồi trở thành sinh viên của một trường đại học nào đó và có việc làm cho thu nhập tốt để có thể tự tin lập nghiệp trên thành phố. Bởi tôi không muốn ngày ngày dầm mưa dãi nắng trên đồng, trên bãi, vật lộn mưu sinh nơi mảnh đất được mệnh danh “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mà bố mẹ đã sinh ra tôi.
Thế nhưng thật buồn là giữa mơ ước và hiện thực chẳng có gì liên quan đến nhau, bởi chỉ sau khi cầm trong tay tốt nghiệp phổ thông cơ sở tôi đã phải từ bỏ con đường học vấn của mình để cùng bố mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm cái ăn, cái mặc cho cả gia đình, nhường chút tiền còm cho cậu em trai mới bước vào cấp hai được tiếp tục đến trường.
Chấp nhận chân lấm, tay bùn đến năm 19 tuổi thì tôi quyết định rời làng ra phố tìm việc tự nuôi thân, mặc cho bố mẹ cản ngăn, trách cứ. Chắc thấy bộ dạng quê mùa, ngỡ ngàng, ngơ ngác từ dáng đi đứng đến cách ăn mặc của tôi sau khi xuống xe khách, nên một bà bán hàng rong tỏ ý thông cảm, hỏi han gọi giúp tôi xe ôm đi vào phố.
Tấm biển tuyển nhân viên của một quán cà phê khá lớn đã giữ chân tôi lại. Ông chủ quán chắc chưa qua tuổi 40 có nụ cười nửa miệng và cặp mắt nhỏ dưới đôi lông mày rậm gật đầu nhận tôi vào làm chỉ sau vài câu trao đổi ngắn…
Biết tôi lần đầu đến thành phố, ông chủ cho người đưa tôi đến nơi trọ có giá hợp lý sau khi đã ứng trước cho tôi 1 tháng lương. Nhỏ tuổi nhất trong số nhân viên nhưng tôi sớm được ông chủ ưu ái vì tôi không nề hà bất kỳ công việc gì khi ông chủ giao. Thường tan ca các anh chị nhân viên khác đều nhanh chóng về gia đình hay về phòng trọ, còn tôi luôn ở lại quét dọn, sắp xếp chu tất mọi thứ rồi mới rời quán.
Phục vụ cho quán chưa đầy năm ông chủ đã tăng lương cho tôi. Không những thế thỉnh thoảng nhân lúc vắng người ông chủ còn tế nhị dúi vào tay tôi ít tiền bảo rằng thưởng cho tôi bởi tôi ngoan ngoãn, chịu khó trong công việc của quán.
Thấy ông chủ có vẻ quan tâm đến tôi, chị Thanh một nhân viên làm công lâu năm cho quán xa gần nhắc tôi nên cảnh giác. Chị bảo: “Có thân thì giữ chứ ông chủ giàu có, vợ con đề huề, mình dại thì thiệt chứ họ chẳng mất gì!”.
Tôi nghe vậy biết vậy nhưng nghĩ mình chăm chỉ, làm tốt việc chủ giao thì ông chủ tử tế khen thưởng cũng đâu có sai? Cho đến một tối muộn định tắt điện đi ngủ thì có tiếng ông chủ gọi cửa. Ông chủ làm tôi vô cùng bối rối và cảm động khi ông nói lời chúc mừng sinh nhật tôi tròn 20 tuổi cùng bó hoa tươi thắm thơm ngát và một xấp tiền mà không cần đếm tôi cũng biết gấp mấy lần lương tháng của tôi.
Ông chủ khiến tôi choáng ngợp với món quà lớn bởi từ bé đến giờ tôi chưa một lần được ai tặng bất cứ một thứ gì cho ngày ra đời của mình, thậm chí chính tôi còn không ít lần quên ngày sinh của mình. Trong mụ mị của lòng biết ơn và ngộ nhận vào tương lai sáng sủa của mình khi ông chủ rót vào tai tôi lời yêu mật ngọt, rằng ông sẽ cho tôi cuộc sống viên mãn khi tôi chấp nhận làm người tình giấu mặt của ông, tôi đã không ngần ngại hiến dâng cho ông chủ cái quý giá ngàn vàng của người con gái … …
Vậy mà chưa đầy 1 tuần sau ngày hưởng trọn “trái cấm” ông chủ tử tế của đời tôi đã cho tôi nghỉ việc với lý do dạo này quán vắng khách ông đành giảm bớt người làm! Thế nhưng sáng hôm qua có việc đi ngang quán tôi tận mắt chứng kiến cảnh ông chủ đang xếp giấy tờ để nhận nhân viên mới. Đó là một cô gái trẻ, dáng chân quê giống tôi cách đây không lâu…
Tác giả: An Trí
Nguồn tin: Báo Tiền Phong