Minh Trang khiến nhiều người thán phục khi thể hiện được khả năng học đều tất cả các môn học với điểm 10 bài thi Tổng hợp của Nam Định, gồm 7 môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh).
Đàm Thị Minh Trang
Bên cạnh đó là điểm 10 tuyệt đối môn Toán, cùng điểm 9 môn Ngữ văn – cũng là điểm thi Ngữ văn cao nhất toàn tỉnh.
Minh Trang cho rằng mình đã gặp một chút may mắn. “Em không nghĩ điểm thi lại cao như thế. Đặc biệt, có lẽ em đã gặp chút may mắn khi điểm thi môn Văn cao nhất toàn tỉnh, bởi trên lớp em cũng không phải là người xuất sắc nhất mà chỉ nằm trong top 10” – Trang vui vẻ cho biết.
Cảm thấy rất bất ngờ và vui sướng, nhưng Trang cũng chia sẻ có chút lo lắng bởi sức ép “thủ khoa”, và dặn mình phải quyết tâm học tốt hơn trong thời gian tới.
Nói về bí quyết học đều các môn của mình, Trang chia sẻ em thường rất tập trung chú ý nghe giảng để nắm bắt các kiến thức ngay trên lớp, qua đó tiết kiệm được thời gian học lại khi về nhà. “Ngoài thời gian cho môn Toán yêu thích, em lên lịch cụ thể cho từng buổi tối sẽ học môn gì, mỗi ngày một môn để có được sự đồng đều và giúp em tập trung cao độ” - Trang nói.
Trang cho biết em đặc biệt thích học Toán và rất hứng thú với việc đi tìm những lời giải cho các bài tập. “Có khi gặp những bài khó phải mất gần một tuần em mới nghĩ ra được lời giải. Hơi mất thời gian, nhưng em không muốn hỏi thầy cô ngay bởi đơn giản muốn thử sức mình và muốn bản thân phải cố gắng. Nếu thử, các bạn sẽ thấy niềm vui với môn học sau những lần như thế”.
Năm lớp 9, Minh Trang giành được giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi môn Toán tỉnh Nam Định.
Cô con gái tự lập
Nhận xét về cô con gái, anh Đàm Văn Dũng cho biết điều anh ưng ý nhất là Trang có ý thức tự giác học tập, thích tìm tòi, học hỏi và đặc biệt có tính tự lập cao.
Minh Trang và bố
“Vợ chồng cùng là giáo viên, nhưng quan điểm của gia đình tôi chủ yếu là định hướng và tư vấn cho con cách học, phương pháp học chứ không cầm tay chỉ từng bài. Chúng tôi muốn để con rèn thói quen tự tìm ra lời giải và tích lũy kiến thức”.
Bởi theo anh Dũng, trong giáo dục, thầy cô là yếu tố cần thiết nhưng quan trọng là bản thân các con tự giác mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Học Trường THCS Hải Hậu, là trường điểm của huyện cách nhà tới hơn 15 km, Trang phải làm quen với cuộc sống tự lập xa nhà, ở ký túc xá của trường từ năm lớp 6. Từ đó đến nay, phần lớn thời gian những năm học cấp 2 của Trang là ở trường. Mỗi tuần, bố Dũng đều đặn thứ 2 đưa con đi, thứ 7 đón về.
Thời gian đầu, Trang rất buồn, thậm chí không ít lần bật khóc bởi đang quen với việc ở nhà được bố mẹ chăm sóc, ra ở ký túc xá hầu như tất cả mọi việc em phải tự tìm cách xoay sở.
Thương con gái nhỏ, vợ chồng anh Dũng thống nhất rằng nếu Trang muốn bố mẹ sẽ cho về. Nhưng rồi sau khi suy nghĩ, Trang vẫn quyết tâm ở lại để theo học.
“Lúc đầu em cũng bỡ ngỡ, nhớ nhà, nhớ bố mẹ và đã khóc rất nhiều. Thậm chí 1 - 2 tuần đầu, đêm nào cũng khóc. Nhưng rồi được các thầy cô giáo, các chị lớn hơn trong phòng động viên, an ủi, sau dần em cũng quen” - Trang nhớ lại.
Biết con nhớ nhà, vợ chồng anh Dũng gọi điện thoại động viên Trang mỗi ngày.
“Thời gian đầu, mỗi tuần vợ chồng tôi lên ký túc xá 2 đến 3 lần, thậm chí nhiều hơn. Riêng tôi, hễ cứ có việc ngang qua huyện thì lại ghé vào với con. Có thể không nhất thiết phải gặp, nhưng tôi vẫn qua để nắm bắt tình hình của con qua bạn bè, thầy cô” - anh Dũng kể.
Minh Trang và mẹ
Dần rồi cũng quen, với Minh Trang, việc phải đi học xa nhà đã rèn luyện cho em khả năng tự chăm sóc bản thân, tính tự lập và học cách tự đứng dậy, vượt qua khi đứng trước những khó khăn.
“Việc tự lập giúp em tự chủ và có thể giải quyết những việc riêng của mình mà không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào bố mẹ. Giờ đây, đứng trước những vấn đề khó, em luôn tự nghĩ cách giải quyết trước khi hay thay vì nghĩ ngay đến bố mẹ hay ai đó để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ở trường, không thể gặp bài khó chút là gọi cho bố, thế là mình tự suy nghĩ. Sau dần thì quen và thích thú sau khi mình tự giải được bài tập. Điều này cũng giúp em trưởng thành hơn rất nhiều” - Trang chia sẻ.
Anh Dũng cũng rất ấn tượng về việc con gái dám dưa ra quan điểm riêng và chia sẻ với bố mẹ một cách chân thành, chững chạc.
“Tôi thấy ở con có sự phản biện, rất cá tính nhưng cũng rất người lớn. Có khi bố hoặc mẹ nóng tính hay bực tức không hợp lý, con lên tiếng góp ý, đưa ra những lời khuyên, thậm chí phê bình. Hay khi nhà có mâu thuẫn quan điểm, con vẫn mạnh dạn tham gia, cùng tranh luận, chỉ ra và phân tích những điểm được hay chưa được. Việc con nói cũng khiến người làm cha mẹ phải để ý và suy ngẫm. Có lần tranh luận lên cao, tôi mắng vợ một câu, con gái bảo bố thôi đi, bố nóng quá, thực sự là mình đã thay đổi và “hạ hỏa” ngay” - anh Dũng tâm sự.
“Vợ chồng tôi không đặt nặng quá chuyện cấp bậc, vai vế trong gia đình. Bởi tôi hiểu có những lúc, những chuyện mình không hoàn toàn đúng”.
Minh Trang thì cho rằng nếu những ý kiến của mình đủ sức thuyết phục thì hoàn toàn có thể chia sẻ.
“Em không quá xen vào việc của người lớn, nhưng cũng đã có nhận thức để đưa ra quan điểm cá nhân. Em nghĩ nếu mình đúng thì bố mẹ cũng sẽ vui vẻ lắng nghe”.
Ngoài giờ học, Trang thích xem ti vi và đọc sách văn học. Việc này không chỉ giúp em nắm bắt thông tin thời sự, học môn Văn tốt hơn rất nhiều, mà còn có cách nhìn đúng đắn hơn trong cuộc sống. “Đọc sách giúp em nhìn nhận những thứ xung quanh từ nhiều góc độ, qua đó có những đánh giá khách quan hơn thay vì chỉ từ một phía. Ngoài ra, việc này cũng giúp em có suy nghĩ và sống nhân văn hơn”.
Với kết quả thi của mình, Trang trúng tuyển cả Trường THPT Hải Hậu A và Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Em đã có một quyết định bước ngoặt là sẽ theo học chuyên Hóa.
“Cấp 2 học Toán, nhưng lên lớp 10 em muốn thử sức với Hóa. Em phải cố gắng hết sức trong thời gian tới, bởi em mơ ước trong tương lai sẽ theo học ngành y”.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng
Nguồn tin: