Xã hội

Nỗi niềm của người lính già có con gái sợ ánh mắt người lạ

Lâu nay, chị Lê Thị Hằng (29 tuổi, Quảng Bình) luôn mang bên mình một chiếc mũ to cùng cặp kính đen để giúp chị che đi phần nào cơ thể của mình trước ánh mắt người lạ.

Chiến tranh rời xa, nỗi đau còn mãi

Chiến tranh đã rời xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau còn đó, thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Có lẽ, không có gì đớn đau hơn khi chứng kiến những con người dị tật, bị mù, câm, điếc, có hình hài dị dạng mà lẽ ra họ lành lặn.

Hòa bình lập lại, nhiều chiến sỹ lập gia đình sinh ra những người con mà khi nhìn vào trở thành nỗi đau, gánh nặng. Khó khăn về kinh tế, đau đớn về thể xác, tinh thần, những bậc làm cha làm mẹ chưa bao giờ ngừng lo lắng cho tương lai, số phận của những sinh linh bất hạnh mà họ đã sinh ra.

Không may mắn khi gia đình ông Lê Ngọc Niềm (thôn Mã, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phải hứng chịu nỗi đau ấy. Ngày trẻ, ông là một người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Tây Ninh.

Ông Lê Ngọc Niềm và con gái Lê Thị Hằng. Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc

Rời chiến trường về quê hương lập nghiệp ông cảm thấy mình là người may mắn khi sống sót trở về. Ông lập gia đình và vui mừng hạnh phúc đón đứa con đầu lòng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi đó là đứa trẻ dị dạng.

Chiến đấu trong những năm bom đạn ác liệt rồi ông mang trong mình thứ chất độc da cam từ lúc nào không hay. Ông sinh hạ được 5 người con, chính thứ chất độc đáng sợ ấy đã cướp đi 2 người con của ông và khiến 2 người con khác phải gánh hậu quả cả cuộc đời. Duy chỉ có một người lành lặn.

Trước đây, tôi chỉ biết đến căn bệnh vảy nến qua sách, báo. Tận mắt chứng kiến căn bệnh hiện hữu trên cơ thể chị Lê Thị Hằng (29 tuổi, con gái ông Niềm) mới phần nào thấm thía sự khủng khiếp của căn bệnh gây ra.

Làn da bong tróc vảy, mái đầu trọc lóc không có một sợi tóc. Căn bệnh quái ác đeo bám khiến chị có hình hài đáng sợ trong mắt người lạ. Bao năm nay, chị sống trong sự ngại ngùng, luôn cúi mặt khi có người hiếu kì quay sang nhìn. Đó cũng là lí do chị Hằng luôn mang bên mình mộ chiếc mũ to cùng cặp kính đen để giúp chị che đi phần nào cơ thể của mình trước ánh mắt người lạ.

Đáng buồn hơn, da khô cứng khiến đôi mắt chị bị kéo xếch lên ngân ngấn nước, đỏ ngầu. Mắt không nhắm lại được, gây cảm giác đau buốt, viêm giác mạc nặng. Các bác sỹ cho hay, nếu không được phẫu thuật kịp thời khả năng chị bị mù rất cao.

Bán thóc gom được 6 triệu đồng chữa bệnh cho con

Căn bệnh khiến tay chị bị co rút gần như không cử động được. Cả cơ thể chỗ nào cũng bong tróc vảy khiến chị ngứa ngáy và bật máu.

Từ trước đến nay chị rất ít ca thán với bố mẹ vì thương ông bà nghèo, không có tiền chữa trị. Nhưng, đến khi đau đến mức không thể chịu được, chị đã thốt lên “bố ơi, mắt con đau lắm, con sắp không nhìn thấy nữa rồi”.

Ông bà khi nghe câu nói đó, ruột gan thắt lại. Với những bậc làm cha làm mẹ sinh ra những đứa con lành lặn có lẽ không thể nào hiểu được nỗi lòng của vợ chồng ông Niềm. Có những đứa con lành lặn trở thành niềm khao khát của cả cuộc đời ông bà.

Dường như không còn chỗ cho những đau khổ, người lính năm xưa dặn mình chấp nhận và trở thành trụ cột của những đứa con tội nghiệp. Bán thóc ông gom góp được 6 triệu đồng, hai cha con dắt nhau ra Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Năm nay, ông Niềm đã 65 tuổi, kinh tế gia đình trước nay chủ yếu dựa vào ruộng vườn. Tuy nhiên, do sức khỏe cả hai vợ chồng yếu nên không còn đủ sức làm. Vợ ông bị thoái hóa cột sống nên chỉ làm những việc nhẹ nhàng trong nhà. Cũng vì vậy mà gia đình ông chỉ cấy được 3 sào ruộng.

Lâu nay, chị Lê Thị Hằng (29 tuổi, Quảng Bình) luôn mang bên mình một chiếc mũ to cùng cặp kính đen để giúp chị che đi phần nào cơ thể của mình trước ánh mắt người lạ. Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc

Tại đây các bác sỹ khám da nhưng không chữa được mắt nên chuyển chị Hằng lên Bệnh viện mắt Trung ương. Vì là chuyển viện trái tuyến nên dù có bảo hiểm y tế gia đình ông vẫn phải chi trả 40% chi phí phẫu thuật.

Cuộc trò chuyện với người lính già diễn ra vội vàng bởi ông đang thu dọn hành lý cho cả hai cha con để về quê. Mặc dù sau khi phẫu thuật xong sức chị Hằng còn yếu nhưng vì là khoa thẩm mĩ không có chỗ cho bệnh nhân ở lại nên bố con ông phải về sau một ngày phẫu thuật.

“Em nó đã được phẫu thuật, chúng tôi xin ở lại mấy ngày nhưng không được vì bệnh viện không có chỗ cho bệnh nhân ở lại. 10 ngày nữa thì hai bố con lại vào viện để các bác sĩ khám lại. Vì còn đau nên bác sĩ kê thuốc giảm đau cho uống. Kinh tế gia đình cũng chỉ trông cậy vào số tiền nhà nước hỗ trợ các con bị nhiễm chất độc màu da cam”, ông Niềm cho biết.

Từ trước đến nay, gia cảnh khó khăn nhưng ông Niềm không ca thán, mong mỏi người đời thương xót, người lính nghèo ấy chỉ hy vọng có phép màu chữa lành bệnh cho con gái mình.

Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP