Anh cũng biết còn gì. Xứ ta đang náo loạn, mọi thứ đều bị xáo trộn, thật giả lẫn lộn, trắng đen chẳng rạch ròi như xưa. Em biết mình là ai trong xã hội đầy thử thách này. Đã bao lần anh chê bai, anh tỏ ra không hài lòng, em đều bỏ qua hết, tự dặn lòng mình vì anh nói cũng có cái đúng.
Ngày xưa đi làm, lương hai vợ chồng xấp xỉ nhau anh chẳng nói, giờ chúng mình quyết định đầu tư vốn để anh làm ăn, từ đó thu nhấp cũng tốt hơn thì anh chê em đi làm lương thấp. Có lần anh còn bảo em và con về quê, con có bà nội trông, học ở quê cho rẻ, còn em xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp sáng đi tối về sẽ bớt được tiền nhà thuê ở thành phố, chỉ anh ở lại làm và chọn giải pháp đi đi về về. Vậy là anh đã tính đến phương án nhà mình chia cách để giảm gánh nặng kinh tế phải không anh? Một điều mà từ trước chúng ta đều không muốn, nhưng đến giờ anh lại muốn, nghĩa là sao? Em không tán thành.
Sinh con xong, anh chê em có mỡ bụng, nói đùa và cũng là thật với bà nội em rằng “ngày xưa eo ót, chứ bây giờ không ăn cũng béo”. Sự thật thì em cũng đâu có béo lắm, chỉ là tăng một sai quần áo so với thời con gái thôi mà.
Hết chuyện ăn uống rồi lại đến chuyện nhà cửa con cái. Anh hay phàn nàn tóc vương vãi khắp nhà “chỗ nào cũng thấy tóc”. (Ảnh minh họa)
Anh thường chê em nấu ăn không ngon, khi thì nói rằng mặn, khi thì nhạt, khi thì thịt nhiều mỡ “ngấy quá”, khi thì toàn nạc “dai và bã”. Khi thì thịt hôi, khi thì cá nhiều xương dăm, khi thì thịt gà công nghiệp, khi thì thịt gà ta gì mà bở thế còn đắt nữa. Khi lại thịt bò gì mà ăn chẳng thấy mùi bò, em mua thịt bò nhầm thành thịt lợn à… lúc lại sao không xào mà lại luộc rau, rau vẫn chưa nhừ, rau ngót vẫn còn dai, vân vân và vân vân. Khi thì nhiều đồ ăn quá, khi thì chẳng có gì. Có món này rồi lại còn nấu món kia ăn làm sao hết được…. Anh có biết có những lúc anh mở nắp vung nồi thức ăn ra rồi lại đậy vào vì nó là món từ trước, nên dẫu biết còn thức ăn em vẫn xào món mới những mong cho anh một bữa cơm ngon miệng thì anh đã vội tặng lại em một câu nói “nhiều thế, có món này rồi, để ăn cho hết đi, xào cái này làm gì nữa!” Biết bao lần em nấu cơm rồi mà anh lại gọi về bảo rằng không ăn, đồ ăn còn thừa nên em cất vào tủ. Nhiều lần như thế, đồ ăn cũ chẳng ăn hết, ăn đi ăn lại thì không ngon, đổ bỏ thì tiếc… Chán, em chẳng nấu nữa, anh về đói lại ăn tạm gói mì. Nhìn anh ăn mì gói em thấy có lỗi sao sao ý, thương anh đi làm vất vả, tối về phải ăn mì, nhưng có lẽ như vậy anh mới thấm.
Hết chuyện ăn uống rồi lại đến chuyện nhà cửa con cái. Anh hay phàn nàn tóc vương vãi khắp nhà “chỗ nào cũng thấy tóc”. Anh chẳng biết được rằng thời tiết giao mùa tóc em rụng nhiều, chẳng còn xanh mượt như xưa. Em buồn và lo nhiều lắm! Anh cũng đâu hay có đợt con lười ăn, em thay đổi mọi cách nhưng tình trạng vẫn chưa khá hơn, suốt ruột em có la mắng con thì anh nói con vẫn còn bé mà mắng thế này thế nọ…. Em sai khi mắng con, nhưng thử hỏi có bao giờ anh tự tay nấu và cho con ăn lấy một bữa không?
Anh hay nói em chiều con quá, mua hết đồ ăn này rồi đồ ăn khác, hết đồ chơi nọ đến đồ chơi kia, nhiều khi đồ chời bừa bãi khắp nhà và đồng nghĩa cũng là sự tiêu tốn. “Ăn nhiều thứ cũng có béo mập được đâu mà suốt ngày nhờ mua hộ chim bồ câu, cua, cá, thịt lợn với cả lươn sạch!” Anh có biết phải thân quen và quý mình thì em mới nhờ mua được những thứ đó không? Hơi đâu em phải vất vả nhờ cậy như vậy? Chợ Hà Nội đầy rẫy những thứ đó, em mua khi nào chả được. Nhưng việc vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay làm cho một người mẹ như em vô cùng lo lắng và hoang mang. Em lo cho con, lo cho anh, lo cho gia đình cũng là quá sao? Anh nói em chiều con, nhưng anh xót tiền mua những món đồ đó thì đúng hơn.
Khi chúng ta làm chỉ đủ ăn tiêu, em phải chi chút từng đồng lo cho con, hai vợ chồng mình chấp nhận thiếu thốn một chút cũng không sao. (Ảnh minh họa)
Anh luôn muốn con phát triển tốt, mỗi lần gặp anh em họ hàng hay về quê anh đều rất tự hào hãnh diện về con, nhưng chắc chưa bao giờ anh chủ động nói đưa con đi chỗ này chỗ khác, mua cho con cái này cái kia, dạy con chữ a chữ b…đ ể con phát triển nhỉ? Một ngày đón anh về nhà là sự vui mừng của hai mẹ con, ngày nào em cũng mong anh về sớm, nhưng đã về muộn rồi anh còn cứ than vãn về tiền nong “thời buổi khó kiếm, thế này thì chết”. Chúng ta sẽ chết thật nếu cứ mở miệng ra lại than như thế mất thôi anh à. Đừng than thở nữa, cuộc sống là những ngày trôi qua không giống nhau, hôm qua anh kiếm được một triệu, hôm nay anh kiếm được sáu trăm cũng là chuyện dễ hiểu thôi mà.
Khi chúng ta làm chỉ đủ ăn tiêu, em phải chi chút từng đồng lo cho con, hai vợ chồng mình chấp nhận thiếu thốn một chút cũng không sao. Giờ đây kinh tế có thoải mái hơn, em muốn cuộc sống đỡ o ép như xưa thiết nghĩ cũng chẳng có gì sai? Đến thời điểm hiện tại em vẫn chưa thấy mình tiêu xài hoang phí thứ gì? Chỉ là bây giờ đồng tiền mất giá, cái gì cũng đắt đỏ. Cầm tiền đi chợ, đến em chi trả cũng phải suốt ruột chứ đừng nói rằng anh. Anh có phải chi tiêu, mua bán gì cho gia đình đâu mà anh biết. Còn nhiều điều anh chê em nữa, em nghe rồi nhưng chẳng thèm nói lại với anh đâu. Anh cứ chê đi, nếu như anh tìm được một người phụ nữ nào tốt hơn anh cứ nói với em. Đừng dấu diếm và ngai ngùng. Em không muốn cuộc hôn nhân từ bảy năm trời chờ đợi nhau lại có một kết cục buồn vì đồng tiền. Hoặc ví như những lời chê bai đó chỉ như một câu nói cửa miệng thì anh hãy thay đổi đi. Dù tâm anh không có như thế, nhưng miệng anh nói ra cũng làm em buồn và chán nhiều lắm đấy.
Em biết anh đi làm áp lực công việc cao, nhưng không có nghĩa anh để cái áp lực ấy đè lên cuộc sống của chúng ta. Chắc anh chán em rồi phải không? Anh chẳng còn thấy em thú vị như xưa! Chẳng còn hồn nhiên và đáng yêu nên anh chẳng thèm quan tâm nữa. Anh và em khác xưa nhiều rồi, xưa khi em mới chỉ ho nhẹ lúc trời sang thu anh đã vội lo lắng, nhắc nhở em giữ gìn sức khỏe. Chúng ta yêu và chờ đợi nhau bảy năm trời mới cưới. Yêu xa nhớ lắm, cô đơn lắm và khó lắm như một lời bài hát nào đó anh có thấy đúng không? Ấy vậy mà ngày đó em thấy mình thật hạnh phúc. Còn giờ đây khi chúng ta chẳng xa nữa, đêm vẫn nằm cạnh nhau nhưng dường như ta xa nhau mất rồi. Em mong điều đó đừng là sự thật!
Tác giả bài viết: Kim Chung