Du lịch

Nô nức trẩy hội đền Đức Hoàng 2024

Đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào thời nhà Trần để phụng thờ các vị thần linh đã có công “bảo quốc hộ dân”, nhân vật trung tâm là “Sát Hải Đại Vương” Hoàng Tá Thốn, một vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ nghệ, có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Ông còn có công lớn trong việc chiêu dân lập ấp, mở đất, lập làng, nên được Nhân dân các địa phương tôn làm Thành hoàng làng.

Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mư­u l­ược, có công với dân với nước nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Đền Đức Hoàng là di sản văn hóa, danh thắng của tỉnh Nghệ An, năm 1998 được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; năm 2022 được UBND tỉnh Nghệ An công nhận điểm du lịch và sản phẩm OCOP về du lịch.

Đông đảo du khách về dự lễ hội đền Đức Hoàng năm 2024

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân, hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân huyện Yên Thành và du khách thập phương lại nô nức khai hội đền Đức Hoàng. Lễ hội Đền Đức Hoàng năm 2024 diễn ra từ ngày 8/3 đến 11/3 (tức ngày 28/1-2/2 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, nhằm tưởng nhớ công đức của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch huyện Yên Thành đánh trống khai Hội

Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm

Lễ hội Đền Đức Hoàng năm 2024 với các nghi lễ khai quang, yết cáo, rước, mít tinh, đại tế và lễ tạ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Phần hội rất phong phú: giao lưu Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm; Câu lạc bộ Tuồng; giao lưu ca múa nhạc; thi đấu bóng chuyền nam, nữ; đua thuyền; các trò chơi dân gian (chọi gà, bắt lươn, nhảy bao bố, đánh cờ tướng và cờ thẻ, nấu cơm, đi cầu kiều…).

Lễ rước bằng đường bộ và đường thủy với sự tham gia của rất nhiều người dân

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc…

…với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng xứ Nghệ

Thi đấu bóng chuyền nam, nữ với nhiều trận gay cấn cùng những pha bóng đẹp mắt thu hút người xem

Thi cờ thẻ truyền thống vẫn được duy trì và cũng không kém phần hấp dẫn trong ngày hội

Đông đảo du khách thập phương về trẩy hội

Những cơn mưa xuân lất phất cùng cái lạnh cuối mùa không làm “hạ nhiệt” không khí lễ hội

Về với lễ hội, ngoài việc tri ân các bậc tiền nhân, du khách còn được hòa vào không khí lễ hội vui tươi, tham gia lễ rước các vị thần linh theo truyền thống địa phương với tấm lòng thành kính. Đây cũng là dịp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, yêu quê hương và tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Tăng thêm tinh thần đoàn kết của cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông; phát triển văn hóa, du lịch, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Ảnh: Phan Tất Lành

Nội dung: Mộc Hương

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP