Giáo dục

Những nhóm ngành mới nào sẽ "hot" trong mùa tuyển sinh 2024?

Với việc đào tạo đa ngành của các trường đại học như hiện nay sẽ giúp tạo điều kiện tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh.

Đến thời điểm hiện tại, một số trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố đề án tuyển sinh chính thức. Năm nay ngoài giữ ổn định chỉ tiêu và phương thức xét tuyển trong năm 2024, nhiều trường mở thêm nhiều ngành/chương trình mới, phần lớn thuộc các ngành liên quan đến công nghệ, điện tử nhằm đáp ứng xu thế của thị trường lao động.

Mở thêm nhóm ngành đáp ứng xu thế mới

Là một trong những trường sớm công bố thông tin mở thêm các nhóm ngành, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa thông tin: “So với năm 2023, Trường bổ sung thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, các em có thể lựa chọn một trong rất nhiều phương thức, hoặc cùng lúc sử dụng tất cả các phương thức, như vậy cơ hội vào ngành học, trường đại học mà các em mong muốn sẽ cao hơn”.

Năm nay, Trường Đại học Phenikaa mở thêm 8 ngành/chương trình đào tạo mới (3 ngành thuộc khối KHCN, 2 ngành thuộc khối KTKD, 3 ngành thuộc khối KHSK) là: Kỹ thuật điện tử viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin; Trí tuệ nhân tạo; Marketing; Công nghệ tài chính; Kỹ thuật hình ảnh y học; Quản lý bệnh viện; y học cổ truyền.

Với việc mở rộng đa ngành của của nhà trường năm nay nằm trong với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.


“Ngoài ra, các ngành/chương trình đào tạo chúng tôi có cấu trúc với khoảng 20- 50% thời gian học tập là trải nghiệm thực tế thông qua thí nghiệm/thực hành, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia làm dự án và thực tế doanh nghiệp.

Điều này giúp sinh viên có thể thích nghi với điều kiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đồng thời, định hướng đào tạo nhóm ngành này cũng góp phần giải “bài toán” nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay”, ông Nguyễn Phú Khánh bày tỏ.

Trước nhiều thay đổi của kỳ thi năm nay, đưa ra lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ: “Các em cũng nên chủ động lựa chọn một phương thức xét tuyển phù hợp hoặc tận dụng tất cả các phương thức và nộp hồ sơ càng sớm càng tốt, vì rất nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ tháng 3. Các em không nên chờ đợi vì đủ chỉ tiêu là các trường dừng lại, lúc đó rất có thể cơ hội sẽ trôi đi”.

Tuy nhiên, thời gian còn lại các em hãy tập trung học hành, rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Dù xét tuyển riêng hay theo phương thức nào đi nữa thì chúng ta cũng phải thi kỳ thi tốt nghiệp THPT nên phải tập trung cho kỳ thi này.

Chọn phương thức xét tuyển phù hợp

Cũng đánh giá về sự thay đổi trong xu hướng tuyển sinh năm nay, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Việc thay đổi trong đề án tuyển sinh cho thấy, các trường đại học đã rất nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia”.

Năm nay, nhiều trường đã và sẽ mở các ngành, các chương trình đào tạo liên quan tới thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn; nhiều trường bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…

Đối với quy chế tuyển sinh năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết Bộ GD&ĐT giữ ổn định các nguyên tắc và nội dung giống như năm 2023.

Với các phương thức xét tuyển năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá: “Dù xét tuyển theo phương thức nào, việc đánh giá sẽ dựa trên tiêu chí, yêu cầu về kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi, khả năng học tập của người học đã được định hướng, lựa chọn từ sớm khi các em vào học THPT, chứ không phải chỉ mới xác định trong thời gian ngắn”.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng các trường đại học thay đổi đáp ứng đúng với xu thế hiện nay.


Cùng với đó, nếu các em có kiến thức vững chắc, có năng lực tốt thì dù đánh giá theo phương thức nào sẽ vẫn phản ánh đúng năng lực của thí sinh, phù hợp với yêu cầu của trường, của ngành đào tạo.

“Tuy nhiên, thí sinh lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng đề án tuyển sinh của các trường đã công bố. Năm nay, hầu hết các trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước, nhưng cần chú ý phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Các thí sinh nghiên cứu kỹ thông tin này để đăng ký xét tuyển phù hợp”, bà Thuỷ bày tỏ.

Đối với các trường đại học, đại diện BộGD&ĐT cho rằng cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. “Với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều lắm, mà lại khó đảm bảo sự công bằng.

Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm bỏ lỡ mất các thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung”, bà Thuỷ cho hay.

Vì vậy, các trường cần ưu tiên việc phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường.

Năm 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP