Giáo dục

Bỏ xét tuyển học bạ giảm tỷ lệ ‘ảo’ khi tuyển sinh đại học

Trao đổi với Tri thức - Znews, một số chuyên gia cho hay có nhiều lý do để các trường đại học cân nhắc bỏ phương thức xét tuyển học bạ.

Nhiều trường đại học đã lên phương án bỏ phương thức xét tuyển học bạ. Ảnh: Phương Lâm.

Trong nhiều năm gần đây, xét tuyển học bạ đã trở thành một trong những phương thức xét tuyển đại học phổ biến, được nhiều trường và thí sinh lựa chọn.

Tuy nhiên, mùa tuyển sinh 2024, một số trường đại học đã lên phương án bỏ phương thức xét tuyển này. Điều này nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh trên cả nước.

Nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu).

Như vậy, Đại học Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu.

Đại diện nhà trường cho biết việc bỏ xét học bạ xuất phát từ thực tế tuyển sinh trong những năm gần đây. Theo đó, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng các phương thức khác như chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng.

Vì vậy, việc bỏ xét học bạ với học sinh trường chuyên sẽ làm giảm tỷ lệ ảo, tránh trùng lặp khi các em đăng ký nhiều phương thức.

Trước đó, ngay từ mùa tuyển sinh năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy.

Lý giải, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết sau khi phân tích và dựa vào dữ liệu của Bộ GD&ĐT, nhà trường nhận thấy điểm thi tốt nghiệp có độ tương đồng nhất định với kết quả học bạ. Do đó, việc đặt thêm điều kiện học bạ bên cạnh điểm sàn là không cần thiết.

Bên cạnh đó, một số trường tốp đầu cũng nói không với việc xét tuyển học bạ như Đại học Y Hà Nội. Những năm gần đây, trường sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT hoặc xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ.

Ngược lại, các trường tốp giữa và tốp dưới lại có xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ hoặc dùng học bạ làm phương thức xét tuyển chính.

Mùa tuyển sinh năm 2023, cả nước có ít nhất 180 trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT để tuyển sinh. Ảnh: Phương Lâm.

Các trường cân nhắc nhiều chiều

Mùa tuyển sinh năm 2023, cả nước có ít nhất 180 trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT để tuyển sinh. Điều này cho thấy các trường ngày càng tự chủ hơn trong tuyển sinh và phương thức xét tuyển học bạ ngày càng phổ biến. Nhờ đó, thí sinh cũng tăng cơ hội vào đại học, giảm áp lực thi cử.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định việc các trường bỏ phương thức xét tuyển học bạ là quyết định dựa trên sự cân nhắc nhiều chiều.

Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Nam cho rằng các trường đại học có thể đã cân nhắc dựa trên các số liệu đánh giá tổng kết như: Tương quan giữa phương thức tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên khi học tại trường, sinh viên trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh nào có xu hướng cam kết với ngành học cao hơn; sử dụng phương thức xét tuyển nào giảm lệ thí sinh ảo…

"Có lẽ dựa trên những số liệu này, một số trường đánh giá phương án tuyển sinh bằng kết quả học bạ chưa phù hợp. Từ đó, các trường đưa ra sự điều chỉnh", ông Nam nhận định.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng bỏ xét tuyển học bạ có thể xem là một phương án phù hợp với phương án tuyển sinh mới, đồng thời cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc phải đạt điểm cao ở tất cả môn học. Thay vào đó, các em tập trung vào học tập sâu và phát triển các kỹ năng thực tế thay vì chỉ học để được điểm cao.

Theo ông Nam, trong các năm tiếp theo, xu hướng tuyển sinh bằng học bạ sẽ có sự phân cực nhất định.

Theo đó, nhóm trường tốp đầu sẽ hướng đến các tiêu chí đánh giá, thông qua kỳ thi riêng, phỏng vấn trực tiếp ứng viên để lựa chọn ra thí sinh phù hợp.

Trong khi đó, các trường tốp giữa hoặc tốp dưới sẽ tiếp tục lựa chọn các phương thức xét tuyển thuận tiện nhằm tăng cơ hội và tỷ lệ tuyển sinh, ví dụ phương thức xét tuyển học bạ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, lại cho rằng việc các trường đại học bỏ phương thức xét học bạ để tuyển sinh có thể là tín hiệu tốt.

Theo đó, ông Khuyến cho rằng tình trạng quản lý chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện còn lỏng lẻo, chưa được như các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định nếu các trường phổ thông giải quyết được tình trạng trên, hoàn toàn có thể sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển chính.

Còn hiện tại, các trường nên dùng nó làm một tiêu chí phụ, xét kết hợp với các tiêu chí khác.

Tác giả: Ngọc Bích

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP