Từ khá lâu, Tịnh Biên - An Giang đã trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng của vùng biên giới tây nam với nhiều mặt hàng đặc biệt. Những người ở xung quanh khu vực thường gọi chợ này là chợ Côn trùng vì ở đây chuyên bán “hàng độc” như mối chúa, rết, bò cạp, ve sữa, tắc kè, bửa củi…
Chị Lê Thị Hiếu, có 5 năm thu mua bò cạp về bán tại chợ Tịnh Biên, cho biết, bình quân vào tháng cao điểm (từ tháng giêng đến tháng 5), lượng khách đi viếng chùa Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc) về chợ biên giới rất đông, nên cũng là lúc dân bán côn trùng tập trung về đây để phục vụ du khách. Chỉ tính riêng bò cạp, mỗi hàng có thể bán ra từ 500 – 600 con/ngày. Bò cạp ở đây được bán với giá 4.000-5.000 đồng/con tùy kích cỡ.
Những loại côn trùng này mang nét đặc trưng ở vùng Bảy Núi. Một số trẻ em và người dân kỳ công lùng sục vào những đám rừng rậm bắt côn trùng rồi bán cho nhiều người mang về nhậu hoặc ngâm rượu uống.
Chợ chuột Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Hàng ngày chợ hoạt động sôi nổi nhất từ 5 - 9 giờ sáng. Mỗi ngày có từ 3 - 5 tấn chuột được “xuất xưởng” từ đây.
Nhiều hộ mua bán chuột ở đây cho biết, tuỳ theo mùa (chuột nhiều và ngon nhất trong khoảng từ tháng 3 - 10 âm lịch), 1kg chuột hơi có giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng. Sau khi được giết mổ, làm sạch sẽ được bán với giá 35.000 - 60.000 đồng/kg.
Chính quyền địa phương cho biết, chợ chuột Phù Dật nằm gọn trên ấp Bình Chiến, trong ấp có khoảng 600 hộ thì có tới trên 200 hộ sống bằng nghề săn bắt, làm thuê và kinh doanh chuột. Nhờ cái chợ này mà hàng trăm lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Do công việc nhẹ nhàng nên thu hút các chị em phụ nữ và thậm chí cả trẻ em, người già tham gia "dây chuyền" giết mổ, mỗi ngày thu nhập trung bình từ 70.000 - 100.000 đồng/người.
Giữa Thủ đô Hà Nội, có một khu chợ khá độc đáo nằm ngay trên phố Hoàng Hoa Thám sầm uất: Đó là chợ sâu bọ. Chợ kéo dài khoảng 1 km, bán đủ các loại côn trùng như: sâu rồng, sâu quy… đến các loại cào cào, châu chấu, dế mèn… với giá chung là 250 nghìn đồng/1kg.
Ngày nào cũng vậy, chợ bắt đầu họp từ lúc 8h sáng đến 19h mỗi ngày nhưng đông nhất là vào thứ 7 và chủ nhật.
Ngoài các loại côn trùng như sâu, cào cào, châu chấu… , vào thứ 7 hoặc chủ nhật chợ còn bán thêm các con vật như: rết, sâu chít, tắc kè… cho khách có nhu cầu. Cũng vì những món hàng “độc”, “lạ” được bày bán ở đây mà nhiều người ví ngôi chợ này là ngôi chợ “có một không hai” ở Hà Nội.
Chợ đá Lục Yên (Yên Bái) họp tại một địa điểm khá đẹp nằm ở góc hồ nước lung linh ở Thị trấn Yên Thế. Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian vài ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng hàng ngày.
Theo lời dân địa phương, chợ này phát triển nhất vào những năm 1991, 1992 là những năm đầu người ta phát hiện ra ở Lục Yên có mỏ đá quý. Dân các nơi đổ đến đào đãi đá, người dân địa phương cũng bỏ nghề làm ruộng, đi rừng để tìm đá. Ai đi đào đãi được chút ít lại mang về chợ bán.
Hàng được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc.
Chợ giời hay còn gọi chợ Hòa Bình là chợ đồ cũ nổi tiếng ở Hà Nội được hình thành vào khoảng những năm 1954 - 1955. Chợ giời bao gồm đoạn cuối của phố Huế và một phần các phố Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bái 2, liên thông cả sang (một phần) khu chung cư Nguyễn Công Trứ và một số ngõ nhỏ hình thành nên. Các sạp hàng bày san sát từ trong chợ ra đến tận ngoài chợ và người mua có thể đi xe máy đến tận từng sạp hàng để mua bán.
Có những đồ giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng, có những đồ tiền triệu, nhưng đều rẻ hơn đồ mới rất nhiều lần. Khách mua hàng cứ thoải mái trả giá, có khi được chủ cửa hàng đồng ý bán với giá chỉ bằng 1/3 giá ban đầu.
Chợ gà chọi là một mảng buôn bán trong phiên chợ cổ Hà Đông, họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 Âm lịch hàng tháng. Chợ bán chủ yếu các loại gia súc gia cầm, cây cảnh, trong đó khu bán gà chọi đông nhất.
Thường những con gà bán tại đây được khoảng 8 tháng tuổi, là thời điểm thích hợp để gà sau khi về tay chủ mới sẽ được tiếp tục huấn luyện trở thành gà chiến.
Chợ trâu “Cán Cấu” thuộc huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai họp vào thứ bảy hàng tuần. Không chỉ thu hút những người mua bán, trao đổi trâu, bò, ngựa,… chợ Cán Cấu còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch của tỉnh Lào Cai.
Chợ được họp trên những triền đồi thoai thoải, các chú trâu được chủ dắt lùa về họp chợ từ sáng sớm. Các cuộc thương lượng về giá cả diễn ra sôi nổi, giá mỗi chú trâu đen dao động từ 6 – 10 triệu/con; trâu trắng từ 18 – 20 triệu/con. Những người tham gia phiên chợ đủ mọi thành phần, lứa tuổi…
Nguồn tin: