Ling Ling chuẩn bị trầu tại bốt của mình ở ngoại ô Đài Bắc. Ảnh: CNN
Ling Ling, 20 tuổi, bán trầu cau tại ngoại ô Đài Bắc. Không chỉ ở đây mà tại Ấn Độ, Myanmar và nhiều nơi khác của châu Á, món ăn này cũng rất phổ biến.
"Càng đẹp thì càng kiếm được nhiều tiền", cô gái mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn, để lộ hình xăm trên đùi, giải thích. "Đó là lý do tại sao tôi ăn mặc như thế này".
Gây nghiện và chết người
Với một phần mười dân số thế giới ăn trầu, đây là chất kích thích phổ biến thứ tư sau thuốc lá, rượu và đồ uống chứa caffein, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Dọc các con phố và đường cao tốc ở Đài Loan, rất dễ bắt gặp các bốt trang trí đèn neon với những cô gái ăn mặc mát mẻ đang bán trầu cau cho các tài xế.
Chen Wen, một tài xế taxi, vừa nhổ thứ nước đỏ trong miệng vào một cái cốc nhựa vừa cho hay món này giúp ông tỉnh táo để làm việc suốt nhiều giờ.
"Khi tôi nhai trầu, tôi có thể làm việc lâu hơn. Rất tuyệt!", Chen nói.
Với một số cô gái, việc nhai trầu mang lại cho họ sự "nâng đỡ về tinh thần", trong khi những người khác cho rằng nó giúp họ thoát khỏi cảm giác đau đầu, nôn nao. Chúng có thể mang nhiều hương vị khác nhau, cuộn cùng thuốc lá, chanh hoặc các loại gia vị. Vị ngọt và vị đắng là hai vị phổ biến nhất.
Một người lái xe ôm lôi một miếng trầu từ trong túi ra và mời phóng viên Johan Nylander của CNN nếm thử. Nó được thêm một chút rượu thuốc Trung Hoa để tăng vị đắng.
Chỉ vài giây sau khi đưa miếng trầu vào mồm và nhai, Nylander lập tức bị sốc. Cơ thể anh nóng lên, mồ hôi túa ra trên mặt. Tim đập nhanh. Cảm giác kỳ lạ nhất là ngứa ran trên cánh tay. Lông tay anh dựng ngược lên. Anh cảm thấy cơ thể hưng phấn rõ rệt.
Cùng lúc đó, nước bọt tiết ra ngập miệng và Nylander phải nhổ đi. Anh nhìn thấy nhiều vũng nước màu đỏ tương tự trên vỉa hè. Những người bán hàng rong và những người khác đang nhai trầu gần anh đều phá lên cười.
Tuy nhiên, hậu quả của việc ăn trầu không phải là vấn đề đáng cười. Tập tục này đang bị chỉ trích vì những tác động tiêu cực tới sức khỏe và các nghiên cứu y tế đều cho thấy việc nhai trầu gây ung thư rất cao.
Quả cau được quấn trong lá trầu không và nhai như kẹo cao su mang tới cảm giác phấn khích tương đương một vài ngụm espresso hoặc như một vài người nhận xét là như amphetamine, chất kích thích giúp tăng sự tỉnh táo và tập trung.
Tuy nhiên, không giống như cốc cafe hàng ngày, cảm giác hưng phấn trên là hiểm họa chết người bởi ăn trầu có thể dẫn tới bệnh ung thư miệng. Số liệu gây sốc cho thấy tại Đài Loan, 9 trên 10 bệnh nhân ung thư miệng có thói quen nhai trầu.
Hơn 5.700 Đài Loan bị mắc ung thư miệng mỗi năm, trong đó có 2.300 người tử vong, theo số liệu của cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan năm 2012.
Nhiều người bán và ăn trầu cho rằng chỉ lá trầu mới có hại, trong khi quả cau thực tế lại tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xem trầu cau là một chất gây ung thư.
Ông Hahn Liang-Jiunn, chủ tịch Liên minh Kiểm soát Trầu cau và Ung thư Miệng Đài Loan, cho hay có nhiều lý do khiến việc nhai trầu được ưa thích bất chấp những nguy cơ với sức khỏe.
Nhiều người làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, các tài xế đường trường, ngư dân, đều tiếp thêm năng lượng bằng cách nhai trầu. Món ăn này cũng giúp họ giữ ấm và ngăn cảm giác khát.
"Việc bắt chuyện bằng trầu cũng dễ hơn thuốc lá", ông Hahn nói. "Đó là lý do nhiều thanh niên bắt đầu nhai trầu từ sớm".
Bao Bao, một cô gái bán trầu, cầm chiếc cốc nhựa để khách nhổ nước trầu vào. Ảnh: CNN
Lệnh cấm
Từ năm 2014, bất kỳ ai bị bắt gặp nhai trầu ở thủ phủ Đài Bắc sẽ bị phạt và bắt buộc tham gia lớp học để từ bỏ thói quen này.
Đài Loan cũng đang cố gắng khuyến khích nông dân địa phương thay đổi loại cây trồng và cắt giảm nguồn cung ứng trầu. Khoảng 4.800 hecta nông trại trầu dự kiến được thay thế bằng cây chè, trái cây thuộc họ cam quýt hoặc xoài, theo ông Hahn.
Những cô gái xinh đẹp bán trầu cau cũng bị cấm ăn mặc hở hang để câu kéo khách.
Những biện pháp tương tự đang được áp dụng ở những nước khác. Cảnh sát Papua New Guinea đang thiết lập các chốt chặn đường để kiểm tra các tài xế và phạt tiền những người vi phạm lệnh cấm sử dụng trầu.
Tại Myanmar, chính phủ đã ra lệnh cấm tất cả các nhân viên nhai trầu trong thời gian làm việc và khởi động chiến dịch xóa bỏ các hàng quán vỉa hè bán trầu ở những nơi công cộng, trong đó có các điểm du lịch nổi tiếng.
Nếu miệng đỏ nước trầu từng được xem là biểu tượng của vẻ đẹp trong quá khứ thì hiện nay hình ảnh này trong mắt người dân Đài Loan đã thay đổi, đặc biệt là trong giới trẻ thành thị.
"Tôi từng ăn trầu khi làm việc ở một nhà máy 10 năm trước. Tôi ăn vì mọi người đều ăn", một thanh niên tên Hippo nói. "Nhưng khi tôi chuyển tới Đài Bắc, hầu hết bạn bè tôi ở đây không ai ăn trầu cả. Tôi sẽ không bao giờ đụng đến nó nữa. Rất nguy hiểm và trông rất xấu".
Từ năm 2007 đến năm 2013, tỷ lệ nam giới ăn trầu ở Đài Loan đã giảm 45%, xuống còn khoảng 950.000 người trên tổng dân số gần 24 triệu người.
Xiao Hui không muốn con gái trở thành những người bán trầu bên đường sau này. Ảnh: CNN
Tại một bốt bán trầu bên đường ở Đài Bắc, Xiao Hui, một người làm nghề lâu năm, đang tất bật vừa chuẩn bị trầu vừa trông đứa con gái mới một tuổi. Ngón tay trỏ của cô thâm đen sau nhiều năm têm trầu còn răng thì ố đỏ.
"Dù chính quyền có nói rằng nó không tốt cho sức khỏe và gây ưng thư, nhiều khách hàng của tôi vẫn quay lại mua. Bạn thích thì bạn cứ ăn thôi", cô nói.
Tuy nhiên, cô muốn ba cô con gái của mình có một tương lai khác. "Tôi không muốn chúng nhai trầu vì nó có hại cho sức khỏe. Và tôi không muốn chúng trở thành những cô gái bán trầu vì đó không phải là một công việc tốt", Xiao nói.
Tác giả bài viết: Anh Ngọc