Trong nước

Nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị tạm đình chỉ phục vụ điều tra

Trong năm 2020, đã có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật và 12 người bị xử lý hình sự.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Báo cáo Quốc hội về phòng chống tham nhũng (PCTN) 2020, đại diện Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Năm 2020, có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Trong đó Bình Thuận là địa phương có số lượng người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật nhiều nhất (23 người). Về phía bộ, ngành thì Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đứng đầu danh sách, mỗi bộ có 4 người bị xử lý kỷ luật. Cạnh đó, đã kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Để chứng minh, báo cáo dẫn chứng trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến…

Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại. Với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong hơn 3.600 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành). Số tiền thu được hơn 15.017 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành)

Còn các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo thì có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 55.278 tỷ đồng.

Cùng báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2020, các tòa án đã thụ lý trên 602.000 vụ việc, đã giải quyết được hơn 544.000 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, hoạt động của tòa án còn có hạn chế, thiếu sót là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Số lượng biên chế thiếu nhiều so với tình hình gia tăng, diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm và nhiệm vụ, thẩm quyền của các tòa án.

Nguyên nhân được xác định, do số lượng các loại vụ việc mà các toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó số lượng cán bộ, thẩm phán của một số tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, chưa làm hết trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp…

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cũng cho biết, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Viện Kiểm sát đã trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, tăng 4,7%; huỷ 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án…

Ngoài ra, ngành Kiểm sát đã không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam và huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái phép luật, yêu cầu bắt tạm giam 58 bị can, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 816 bị can.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP