Trong nước

Nhiều Bộ sử dụng ngân sách lớn nhưng 'quên' công khai minh bạch

Các bộ sử dụng ngân sách lớn như Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo...đều không công khai minh bạch ngân sách theo quy định.

Ngày 30-7, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) đã công bố kết quả khảo sát công khai ngân sáchBộ, cơ quan Trung ương năm 2018 (MOBI 2018).

Kết quả được công bố cho thấy các bộ ngành chưa làm đúng việc công khai ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng như các Thông tư hướng dẫn khác của Bộ Tài chính.

BTAP khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách của 37 Bộ, cơ quan Trung ương, là các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách và sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là các đơn vị dự toán cấp 1 ở Trung ương (là các đơn vị có dự toán và quyết toán ngân sách do Quốc hội phê chuẩn). Nguồn minh chứng là các loại tài liệu ngân sách công khai trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan Trung ương.

Các bộ sử dụng ngân sách nhiều đã không thực hiện công khai ngân sách theo quy định

PGS-TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm khảo sát, cho biết MOBI 2018 đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC bao gồm: Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1 năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và (vi) quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017.

"Trong số 37 cơ quan, đơn vị được khảo sát, chỉ có 17 cơ quan thực hiện công khai ngân sách nhưng ở mức độ rất thấp"- ông Cường đánh giá.

Trong thang điểm 100, cơ quan có mức độ công khai minh bạch ngân sách cao nhất là Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt 21,91 điểm. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với số điểm 18,52/100 điểm, Bộ Công Thương ở vị trí thứ 4 với 17,91 điểm trên thang điểm 100.

Đáng chú ý, có 20 cơ quan không có bất kỳ tài liệu ngân sách nào được công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM...

Ông Vũ Sỹ Cường cho biết thêm, sau khi tổng hợp kết quả khảo sát, cơ quan thực hiện đã gửi kết quả đến 37 cơ quan, đơn vị để nhận phản hồi. "Phần lớn các bộ, ngành đều đồng ý với kết quả, vì chúng tôi có đầy đủ tài liệu, bằng chứng, chứng minh việc họ có công khai minh bạch ngân sách theo quy định hay không" - PGS-TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

Đánh giá về bức tranh thực hiện công khai ngân sách của các bộ, ngành, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho rằng rất đáng buồn khi các bộ sử dụng ngân sách lớn như Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...lại không thực hiện công khai ngân sách theo quy định.

Ông Cường cho rằng thể chế và quy định về việc công khai ngân sách chúng ta đã có đầy đủ, tuy nhiên thực thi còn rất nhiều hạn chế. "Trong khi đó, bộ là đơn vị dự toán cấp 1, là "ông trùm" sử dụng ngân sách nhưng mỗi nhiệm vụ công khai ngân sách lại không thực hiện được"- ông Cường nói.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP