Trong vai trò của một nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Khánh Trung còn là một phụ huynh có con nhỏ đang theo học tại Pháp, ông chỉ ra những nét khác biệt trong việc giáo dục con của bố mẹ người Việt và người Pháp.
Một trong những khác biệt dễ nhận thấy giữa phụ huynh hai nước trong dạy con là mục tiêu giáo dục. Về giá trị đạo đức, nhân cách, phụ huynh Việt đặt yếu tố con vâng lời, ngoan hiền, hiếu thảo, kính trên nhường dưới lên hàng đầu.
“Nhiều bố mẹ chúng ta lấy làm vui khi chỉ cần quát hay quất cái roi là con chạy, con sợ. Cho rằng như vậy là đứa trẻ ngoan”, TS Nguyễn Khánh Trung nói về quan niệm con ngoan của bố mẹ Việt.
Về giá trị liên quan đến học vấn, bằng cấp, phụ huynh chúng ta cũng nhấn mạnh một cách ưu tiên đến chuyện học hành như phải học giỏi, thành tích điểm số cao, học để đổi đời, học để làm quan…. Ngoài ra, phần lớn phụ huynh Việt không nhấn mạnh ưu tiên đến các giá trị tự chủ của con trẻ.
Với phụ huynh Pháp trong giáo dục con, họ đặt mục tiêu con biết tôn trọng người khác (tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng các văn hóa khác nhau…), lịch thiệp, trách nhiệm. Đối với sự nghiệp, họ mong con hạnh phúc, có được công việc phù hợp mà con thích, cho phép con có thể phát triển; học hành, bằng cấp được quan niệm như là một phương cách tăng thêm sự lựa chọn cho tương lai.
Người Pháp nhấn mạnh một cách ưu tiên các giá trị liên quan đến vấn đề tự chủ của con cái. Đó là khả năng trẻ biết tự lo cho bản thân trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập, tự giác, tự chủ về đời sống tinh thần, tư duy độc lập, phản biện, tự lập về tài chính; có khả năng hội nhập vào xã hội, biết sống chung với mọi người.
Trẻ em Việt bận học, trẻ Pháp sớm lao động
Chính vì mục tiêu giáo dục khác nhau đến dẫn đến những khác biệt trong phương thức thực hành giáo dục con trẻ trong gia đình của hai nước về thưởng - phạt, thời gian sinh hoạt, phân bổ công việc trong gia đình cho trẻ, ăn ngủ…
Nói về công việc trong gia đình của trẻ em Việt, TS Nguyễn Khánh Trung thốt lên: “Nhiều đứa trẻ chỉ có mỗi nghề đi học. Học ở trường, đa số đều học thêm, học thêm ở nhà và học thêm các kỹ năng bên ngoài rất tội nghiệp”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra có những trẻ lao động để phụ giúp gia đình và có trường hợp trẻ được nhiều người bao bọc, làm thay mọi việc, đòi gì được nấy. Ít thấy phụ huynh Việt đặt việc lao động của trẻ trong việc chiến lược giáo dục con.
Về thưởng phạt, bố mẹ Việt vẫn còn quan niệm “thương cho roi cho vọt”, còn áp dụng các hình thức phạt như quỳ gối, úp mặt vào tường… khá phổ biến ở nhóm phụ huynh bình dân. Đa số bố mẹ gắn việc thưởng cho con với thành tích điểm số trong việc học và thường thưởng bằng việc mua những gì con thích, biểu dương, khen ngợi.
Đối với trẻ em Pháp, ngoài thời gian học ở trường và làm bài tập ở nhà, trẻ thường được phân việc trong gia đình với lịch phân công cụ thể. Sau 14 tuổi, trẻ được khuyến khích đi làm thêm vào dịp hè để tự thực hiện các “dự án” của mình như mua sắm các vật dụng mong muốn, thực hiện các chuyến đi…
Phụ huynh Pháp thường áp dụng các hình phạt mang tính giáo dục liên quan đến hành vi của trẻ. Ví dụ như cấm xem phim, trò chơi điện tử, tịch thu điện thoại, máy tính; yêu cầu trẻ làm những việc trẻ không thích như chép nhiều dòng về những điều không được làm, đọc sách, lên phòng riêng để bình tâm lại…
Còn khen thưởng thì chủ yếu dùng lời khen ngợi, khích lệ và rất hiếm thưởng bằng hiện vật. Đặc biệt việc thưởng thường gắn liền với hành vi, thái độ của trẻ nhiều hơn là thưởng vì kết quả học tập.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tác giả Nguyễn Khánh Trung và nhóm cộng sự cũng nhận ra trong phương thức giáo dục con trẻ, người Pháp đặt con ở thế chủ động, tôn trọng con, luôn có thái độ lắng nghe, trao đổi, trò chuyện, giải thích cặn kẽ mọi thứ với con. Một số phụ huynh Việt trong nhóm trí thức có thái độ và cách tương tự như vậy nhưng phần lớn bố mẹ Việt còn ít trò chuyện, đối thoại với con, thay vào đó là sự áp đặt, la mắng, roi vọt một cách cảm tính.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: