Trong tỉnh

Ngổn ngang sau mưa lũ

Trận lũ lớn cuối tháng 9 vừa qua, nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa bản làng với bên ngoài ở huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) bị nước lũ tàn phá nặng nề. Nghiêm trọng hơn, có những tuyến đường bị “cắt đứt” dài hàng trăm mét, khiến hàng nghìn hộ dân bị cô lập.

Tuyến đường từ xã Hữu Lập đi xã Bảo Nam tại huyện Kỳ Sơn bị chia cắt, gây ách tắc sau lũ.

Sau lũ... đường hỏng

Không chỉ bị đất đá vùi lấp do sạt lở, tại huyện Kỳ Sơn trong mấy ngày qua đã phải huy động hàng trăm hộ dân “mở lối” cho các tuyến đường, cầu tràn dân sinh vì bị chia cắt sau lũ. Điều đáng nói, 3 ngày qua trên địa bàn huyện biên giới này không mưa, nước lũ đã giảm bớt, song nước trên các con sông, suối nhiều nơi vẫn còn cao gây ngập một số tuyến đường, vùi lấp nhiều đoạn gây ách tắc giao thông.

Tại xã Chiêu Lưu (một trong 2 xã ảnh hưởng nặng nề sau đợt lũ vừa qua), tuyến quốc lộ 7A, đoạn qua bản Cù bị sạt lở. Tuyến đường tại bản Xiêng Thù, mưa lũ đã làm hàng nghìn khối đất đá sạt xuống, gây ách tắc giao thông, cầu tràn trên tuyến bị ngập lụt. Tuyến đường Khe Nằn (xã Chiêu Lưu) đi bản Pù Quặc (xã Na Ngoi) bị sạt lở một số điểm.

Ông La Đức Thoại - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tuyến đường liên xã từ bản Xiêng Thù (Chiêu Lưu) đi xã Bảo Thắng bị lũ cuốn trôi, đứt gãy hoàn toàn, nhất là đoạn qua bản Lưu Hòa với chiều dài khoảng 150m, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. “Với phương châm 4 tại chỗ, trong 3 ngày qua, khi trời hết mưa, chúng tôi đã huy động hàng trăm hộ dân, cùng với lực lượng bộ đội, dân quân… di chuyển hàng trăm khối đất đá, khai thông những điểm tắc, đồng thời “vá” những đoạn tuyến bị lũ cuốn trôi. Đến sáng 4/10, một số tuyến cơ bản đã lưu thông, nhưng chỉ người đi bộ và xe máy, xe ô tô chưa thể đi qua” - ông Thoại nói.

Tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, sau mưa lũ trên địa bàn có 13 điểm bị sạt lở. Cụ thể, tuyến đường từ bản Xốp Nhị vào trung tâm xã có 5 điểm sạt lở, trong đó tuyến Bản Na đi Xốp Thạng hơn 200m bị sạt lở, đứt gãy. Sau nhiều ngày huy động sức dân, đến nay mới chỉ lưu thông bằng xe máy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khun Văn Phôm - Trưởng bản Xộp Thặp, xã Hữu Lập cho biết: Trận lũ này so với năm ngoái không lớn bằng, nhưng do nguồn nước đổ về rất lớn, nên nhiều tuyến đường trong bản bị dòng lũ “xé toang”, rất khủng khiếp. Ông Phôm chia sẻ: “3 ngày vừa qua, cả bản chúng tôi được huy động để sửa lại đường. Những chỗ bị sạt lở gây ách tắc đến nay cơ bản được thông, riêng các đoạn đứt gãy, chỉ làm tạm thời cho bà con đi lại, chứ về lâu dài cần kinh phí từ tỉnh thì mới xử lý được”.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn huyện bắt đầu mưa lớn từ ngày 26/9 và xảy ra lũ lụt, sạt lở. Mưa lũ đã khiến huyện này thiệt hại nặng nề về các công trình công cộng, đường đi và tài sản người dân. Ước tính ban đầu, đợt lũ này gây thiệt hại cho huyện Kỳ Sơn gần 110 tỷ đồng. Đối với giao thông, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể tại tuyến tỉnh lộ 543D có 60 điểm sạt lở lớn nhỏ khác nhau với hơn 8 nghìn m3 đất đá vùi lấp các đoạn đường, cống rãnh. Ngoài ra, còn có 6 tuyến đường khác trong huyện bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ như tuyến từ Khe Nằn (xã Chiêu Lưu) đi Phù Khả 2 (xã Na Ngoi) dài 19km bị sạt lở đất, đá tại 18 điểm. Riêng tại Km13, đoạn ngã ba đi bản Phù Quặc 3 bị sạt lở mất toàn bộ mặt đường nhựa dài 10m.

Trên tuyến đường từ xã Hữu Lập đi xã Bảo Nam có tràn bản Na (xã Hữu Lập) bị ách tắc. Đoạn đường từ bản Na vào bản Xốp Thặp (xã Hữu Lập) bị sạt lở dọc theo khe Nhị dài khoảng 70m, trong đó 30m là nền mặt đường hiện tại chỉ còn 1m. Tuyến đường qua các xã Huồi Tụ - Na Loi - Đoọc Mạy - Keng Đu có chiều dài tuyến 43km bị sạt lở nặng tại 2 điểm. Trong đó có điểm sạt lở taluy dương dài 15m, rộng 3m, cao 1,2m và có điểm sạt với khối lượng đất 500m3. Các phương tiện giao thông lưu thông rất khó khăn. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã đến kiểm tra, căng dây, cắm biển cảnh báo để người dân không đi vào những vị trí nguy hiểm.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau lũ, có 695 hộ với hơn 3.000 người trên toàn huyện đang bị chia cắt, cô lập. Trong đó nhiều nhất ở xã Chiêu Lưu với 5 bản bị chia cắt. Ông Rê khẳng định: “Hiện tại, nhiều tuyến đường nối các bản, xã đã cơ bản thông tuyến. Tuy là tạm thời, nhưng người dân có thể đi lại, lưu thông. Có nhiều đoạn đứt gãy nặng hiện chỉ có thể lưu thông bằng xe máy hoặc đi bộ”.

Theo ông Rê, với phương châm 4 tại chỗ, sau khi hết mưa, lũ rút, huyện đã chỉ đạo các xã huy động máy móc, phương tiện, người dân khai thông các tuyến đường có đất bị sạt lở, kè chống các tuyên bị nứt, gãy. Đồng thời, bồi đắp những nơi bị lũ cuốn, huy động phương tiện, nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa, khắc phục những tuyến đường giao thông bị hư hỏng. Song về giải pháp lâu dài, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng cấp trên, để tập trung nguồn lực gia cố lại các tuyến đường bị thiên tai tàn phá, đảm bảo an toàn trong tham gia giao thông cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Ông Rê cho biết, hiện về cơ bản các tuyến đường đã được lưu thông. Riêng tại thị trấn Mường Xén, qua kiểm tra cho thấy tại khối 4, phía trên đồi khu vực dự án chia lô đất ở xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún. Đặc biệt xuất hiện 2 vết nứt với chiều dài khoảng 80m, rộng 30cm, lún sâu gần 1m gây nguy hiểm.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP