Kinh tế

Ngoài bầu Đức, đại gia nào dốc tiền cho bóng đá Việt?

Không chỉ bầu Đức, nhiều đại gia Việt như ông Đỗ Quang Hiển (Tập đoàn T&T), Trịnh Văn Quyết (FLC), tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup)...đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền cho nền bóng đá nước nhà.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T

Cùng với bầu Đức, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T cũng được người hâm mộ biết đến dưới tên bầu Hiển.

Đại gia Đỗ Quang Hiển là ông bầu Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Năm 2003, 2004 khi bầu Đức vung tiền làm bóng đá và trở thành một thế lực lớn của làng túc cầu Việt Nam với hai chức vô địch liên tiếp thì bầu Hiển vẫn chưa "dấn thân" vào làm bóng đá.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T. Ảnh: Dân Việt.

Năm 2006, bầu Hiển bắt đầu xuất hiện trên bản đồ bóng đá khi gắn với CLB Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC). Đội bóng đã thăng 3 hạng liên tiếp để chính thức có mặt ở V.League 2009. Và cũng chỉ 1 năm sau đó, bầu Hiển đã có chức vô địch vào năm 2010.

Giống như bầu Đức, bầu Hiển cũng "vung tiền" tài trợ bóng đá với việc chiêu mộ nhiều cầu thủ giỏi, cầu thủ chất lượng trong và ngoài nước để có danh hiệu. Từ mùa 2009 tới 2018, CLB Hà Nội đã giành 4 chức vô địch sau 10 năm lên chơi V-League.

Không chỉ đầu tư cho CLB, bầu Hiển cũng không ít lần mạnh tay thưởng lớn cho các cầu thủ. Trong đó phải kể đến phần thưởng 1 tỷ đồng cho Hà Nội FC dịp tất niên năm 2017. Riêng nhóm 6 cầu thủ góp mặt trong đội tuyển U23 làm nên kỳ tích châu Á gồm Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thành Chung và Trương Văn Thái Quý được thưởng mỗi người 500 triệu đồng.

Với thành tích bất bại lượt đi V-League 2018, bầu Hiển đã thưởng hơn 1 tỷ đồng cho CLB Hà Nội.

Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đồng Tâm

Doanh nhân Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) là người có công đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Long An. Năm 2000, bầu Thắng đầu tư vào bóng đá Long An, đội bóng mang mô hình doanh nghiệp với tên Gạch Đồng Tâm Long An đã nhanh chóng tạo được tiếng vang. Và điểm sáng lớn nhất chính là việc bầu Thắng đã đưa HLV Calisto về dẫn dắt đội bóng, mở ra kỷ nguyên lịch sử cho bóng đá Long An.

Doanh nhân Võ Quốc Thắng là người đặt nền móng cho bóng đá Long An. Ảnh: Bongdaplus.

Dưới sự "lèo lái" của bầu Thắng, ĐTLA rất thành công với 2 chức VĐQG liên tiếp vào năm 2005, 2006. Năm 2002, ông gây sốc khi chiêu mộ thành công tiền vệ Nguyễn Minh Phương từ Cảng Sài Gòn với giá 400 triệu đồng - kỷ lục đối với một cầu thủ nội bấy giờ.

Sau V.League 2013, bầu Thắng rút lui, nhường chiếc ghế chủ tịch CLB ĐTLA cho em trai Võ Thành Nhiệm.

Nguyễn Đức Kiên

Trước khi vướng vòng lao lý, ông Nguyễn Đức Kiên (hay bầu Kiên) được biết đến với hàng loạt hành động quyết đoán, làm thay đổi bộ mặt V.League. Năm 2000, ông đã cùng Ngân hàng Á châu (ACB) tiếp nhận đội Đường sắt Việt Nam sắp giải thể để cho ra đời CLB ACB.

Trước khi vướng vòng lao lý, bầu Kiên được biết đến với nhiều quyết định cho bóng đá. Ảnh: Lao động.

Năm 2003, khi V.League mới lên tuổi thứ 3, bầu Kiên đã gây sốc khi mời Lajos Detari, 1 trong 5 cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Hungary đến làm giám đốc kỹ thuật của đội ACB.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC Group

Tháng 6/2015, Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết đã chính thức tiếp nhận Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa từ Công ty Cổ phần Bóng đá Thanh Hóa. Sau đó, tập đoàn FLC làm lễ ra mắt, chính thức sử dụng tên gọi mới, CLB FLC Thanh Hóa.

Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch tập đoàn FLC. Ảnh: Dân Việt.

Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, Chủ tịch Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết xác nhận việc ngừng việc đầu tư cho đội bóng đá xứ Thanh và sẽ sớm bàn giao lại đội bóng về cho địa phương quản lý.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Không thường xuyên xuất hiện trước truyền thông với vai trò là "ông bầu" bóng đá như bầu Đức hay bầu Hiển... nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng được trang Goal thống kê là ông bầu giàu châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá. Theo đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF nhằm phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam. Ảnh:Forbes.

Điểm khác của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với các ông bầu trên là không đầu tư vào một CLB cụ thể, mà dồn lực đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn là người đứng sau chiến công lịch sử của U19 Việt Nam thông qua cái tên PVF. PVF là quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận. Quỹ này được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, gồm Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%), công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).

Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP