Kinh tế

Nghề nặn nồi đất xứ Nghệ khởi sắc

Sau hàng chục năm mai một, làng nồi đất ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, đang dần khởi sắc, đem lại công ăn việc làm và thu nhập đều đặn cho người dân làm nghề.

Xã Trù Sơn hiện có 4 xóm (10, 11,12,13) với hơn 60 hộ dân còn duy trì nghề làm nồi đất, cả làm chuyên lẫn làm thời vụ. Riêng làng Thượng Giáp xưa là cái rốn của nghề nồi đất, nay còn khoảng 35 hộ dân theo nghề.

Làm nồi đất trải qua nhiều công đoạn: làm đất, nặn, sửa, phơi, nấu…, riêng làm đất là công việc nặng nhọc thường do đàn ông, con trai đảm nhiệm. Đất sau khi mua ở Nghi Lộc về, được xăm nhỏ, tưới nước, nhồi, dậm, xắn nhiều lần cho đến khi dẻo quánh, mới có thể làm nồi được. Nặn nồi là công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, sự chăm chỉ của người phụ nữ.

Từ đất, chỉ với những dụng cụ đơn giản như bàn xoay, mẩu vải, thanh tre… không hề có một khuôn thước nào, mà các mẹ, các chị đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm với đủ kiểu dáng, kích thước khác nhau. Mỗi ngày mỗi người có thể làm từ 50 – 100 sản phẩm tùy theo kích cỡ

Người làm nồi đất ở Trù Sơn hiên nay chủ yếu là trung niên và người cao tuổi, có những nghệ nhân 80 tuổi vẫn chăm chỉ làm nghề. Sau khi nặn xong, các sản phẩm (nồi, niêu, ấm…) sẽ được đem ra phơi nắng cho khô. Tùy vào chất đất, kích cỡ to, nhỏ, dày, mỏng của sản phẩm để điều chỉnh thời gian phơi nắng cho phù hợp. Khi phơi nồi phải xem chừng thời tiết, tránh cơn giông bất chợt.

Lúc nào làm đủ sản phẩm để nung được một lò, chủ nhà sẽ quyết định ngày đốt lò. Nấu nồi không cần than, hàng trăm sản phẩm được chồng lên một cái lò “trần” ghép lại từ những viên đá ong, xung quanh được chống đỡ bằng những cái nồi hỏng, cứ thế cho rơm vào đốt. Trẻ em có thể tham gia giúp bố mẹ trong quá trình phơi hong, vận chuyển sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm trưởng xóm 11 xã Trù Sơn, những năm 80 thế kỷ 20 nghề nồi đất rơi vào khủng hoảng, hàng làm ra không ai mua, bán nồi không đủ mua gạo, nhiều nhà đã bỏ nghề. 5 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu của thị trường về nồi đất tăng lên, làm cho nghề nồi đất ở Trù Sơn có dịp được chấn hưng.

Nấu nồi là công đoạn vất vả nhất trong nghề làm nồi đất. Do lò khá lớn, có nhiều cửa nên lúc đốt cần huy động nhiều người: người ôm rơm, người giục lửa… các gia đình ở làng nồi thường giúp đỡ lẫn nhau trong công đoạn này. Khoảng 5 – 7 ngày, mỗi gia đình làm nồi lại nấu 1 lần.

Đốt lò vào ngày trời nắng, không khí quanh lò khá ngột ngạt, nhiệt độ cao, khói, bụi mù trời, trông ai cũng đỏ au. Người đốt phải đứng canh ở các cửa lò, giục lửa liên tục, để đảm bảo nồi được chín đều. Mỗi lần đốt lò khoảng 4 - 5 tiếng đồng, khi nồi dưới cửa lò đỏ lựng, lửa bén thành ngọn cao, trùm lên thân lò là nồi đã chín.

Ngày xưa, dân làng nồi phải dùng xe đạp chở sản phẩm đi bán khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nay có lái buôn đến mua tại nhà, đem lại thu nhập khoảng 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Cho dù nghề “nặn đất thành hoa” có những lúc thăng trầm, biến động, nhưng người Trù Sơn vẫn yêu và giữ lấy nghề.

Dưới đây là một số hình ảnh đẹp được ghi lại tại "làng nồi đất":

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12

Tác giả bài viết: Việt Cường

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP