Những ngày qua, mạng xã hội lại xôn xao bàn tán câu chuyện muôn thuở: Dạy thêm, học thêm. Nhưng rồi câu chuyện mãi vẫn chưa hồi kết. Tôi xin bàn thêm vấn đề này từ trăn trở của tôi và đồng nghiệp.
Trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định tháng 11/2020, bàn về chuyện tiền lương giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, lương của giáo viên hiện nay rất thấp. Tiền lương khởi điểm của bậc mầm non và tiểu học chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/ tháng tương đương hệ số 1,86. Với mức lương như vậy, giáo viên mới ra trường nhận 3 triệu đồng/ tháng, không sống được ở Hà Nội hay TP.HCM?
Tôi đi dạy 10 năm, nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, nhà giáo tiêu biểu. Mức lương hiện tại của tôi hơn 5 triệu đồng, chỉ đủ tiền xăng xe, chi tiêu cá nhân. Nhìn rộng hơn với mức lương các trường công lập đang trả, giáo viên không thể sống được ở thành phố, chưa nói đến chuyện tích lũy mua nhà, xe.
Nghề giáo là nghề đặc thù. Giáo viên quanh năm gắn bó với con chữ, phấn đen, bảng trắng nên bị hạn chế về mặt kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, khối lượng công việc trường tương đối lớn chiếm gần hết quỹ thời gian của họ. Do vậy dạy thêm, gia sư là công việc duy nhất để cải thiện thu nhập.
Chúng tôi thắc mắc, tại sao các ngành nghề khác được làm thêm, còn giáo viên lại không được dạy thêm? Tôi phản đối gọi dạy thêm là vấn nạn. Người giáo viên bỏ công sức, chất xám để có thu nhập chính đáng sao lại bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
Dạy thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên nếu đây là tự nguyện. (Ảnh: V.N) |
Cũng phải nói dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Tôi có con nhỏ đang học lớp 5 và con tôi cũng kín lịch học thêm cả tuần. Có người hỏi, vì sao bố là giáo viên không dạy con ở nhà mà lại cho con đi học bên ngoài? Tôi trả lời, chương trình tiểu học hiện nay rất nặng và khó so với trước đây. Bản thân tôi không theo kịp sự thay đổi đó. Hơn nữa con đang quen với phương pháp dạy của cô thì nên để con học thêm tại lớp của cô.
Một số đồng nghiệp của tôi chia sẻ, đôi khi việc dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Có gia đình không có thời gian quan tâm đến việc học của con hay vì một lý do nào đó nên họ phải thuê gia sư hoặc giao phó cho giáo viên. Như vậy dạy thêm không thể gọi là ép buộc.
Tôi mong xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với việc giáo viên dạy thêm. Dạy thêm chỉ xấu nếu giáo viên dùng chiêu trò ép buộc học sinh đi học như trù dập, cho điểm thấp, tiết lộ đề thi, đề kiểm tra…Trong điều kiện tự nguyện, tôi cho rằng việc dạy thêm là cần thiết, tốt cho cả học sinh và giáo viên.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm cần phải tăng lương cho giáo viên, giảm tải chương trình học. Chừng nào giáo viên chưa sống được bằng đồng lương thì việc dạy thêm vẫn còn đất sống.
Tác giả: TRUNG HIẾU (giáo viên)
Nguồn tin: Báo VTC News