Vậy nhưng, khi tài nguyên khoáng sản được đào bới, hút đi thì hiểm nguy từ các mỏ sau khai thác lại tạo thành các “bẫy” người dân khiến nhiều câu chuyện đau lòng vẫn còn dai dẳng mãi.
Mỏ đá lèn Chùa sau gần 20 năm khai thác nhưng việc hoàn thổ lại theo kiểu nửa vời, lấp liếm để lại mối nguy hiểm cho tính mạng người dân, cảnh quan môi trường |
Từ câu chuyện của mỏ đá Lèn Chùa
Gần 20 năm trước, Lèn Chùa thuộc xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) được nhiều người biết đến là nơi “sơn thủy hữu tình” với quy mô khoảng 30ha sát QL 1A.
Để có nguyên liệu đá xây dựng phục vụ các công trình công nghiệp, dân sinh, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Xuân Quỳnh tiến hành khai thác.
Đến cuối năm 2016, Công ty TNHH Xuân Quỳnh đã hết thời hạn được cấp phép khai thác và đã chấm dứt việc khai thác đá xây dựng tại đây.
Theo đó, các quy định về quy trình khai thác, quá trình hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường cũng được các doanh nghiệp cam kết với cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trước khi đưa máy móc, phương tiện vào mỏ Lèn Chùa.
Vậy nhưng, quy trình này lại không được thực hiện như ban đầu khiến Lèn Chùa hiện nay như một cái “bẫy” người dân khi nhiều vụ tai nạn thương tâm do việc phục hồi mỏ theo kiểu nửa vời, lấp liếm. Đơn cử, vào tháng 7/2011, con trai anh Hồ Hữu Đức đang là học sinh lớp 3 đã bị đuối nước, tử vong ở khu vực mỏ đá Lèn Chùa.
Tiếp đó, vào tháng 2/2017, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản”.
Số tiền mỗi công ty bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt lên đến 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu, nhưng rồi các doanh nghiệp không thực hiện phục hồi hiện trạng.
Tuy nhiên, suốt thời gian “dùng dằng” mãi, đến ngày 06/3/2020, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mới ký Quyết định số 647/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ đá xây dựng với diện tích 3,43ha tại Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đối với Công ty TNHH Xuân Hùng.
Đến việc hoàn thổ mỏ sau khai thác nửa vời, lấp liếm
Trong khi đó, tại thời điểm phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong vòng 02 tháng kể từ ngày 6/11/2019.
Tuy nhiên, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thổ đất để lấp bằng khu mỏ thì UBND tỉnh Nghệ An lại cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ?!.
Với cách làm này khiến dư luận có thể thấy công tác quản lý cải tạo, hoàn thổ mỏ sau khai thác của UBND tỉnh Nghệ An theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Đây là thực trạng không chỉ ở Lèn Chùa mà còn diễn ra ở hàng trăm điểm khai thác mỏ tại huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa… của tỉnh Nghệ An.
Qua thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có khoảng gần 150 điểm mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động. Vậy nhưng, số lượng các điểm mỏ được cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định như trồng cây xanh, đưa mỏ về trạng thái an toàn mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có chăng, cũng chỉ là cách làm sơ sài theo kiểu đối phó cho qua chuyện.
Chính vì vậy, câu chuyện hoàn thổ mỏ sau khai thác đang trở thành nỗi lo không chỉ mất an toàn đối với cuộc sống dân sinh mà còn để lại nhiều hệ lụy, “di chứng” cho môi trường sống tự nhiên trên địa bàn Nghệ An.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp