Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ thông tin, trước diễn biến mưa lớn kéo dài, QL 16 đoạn Dốc Chuối, xã Châu Kim bị sụt lún, mặt đường rạn nứt lún xuống khiến việc đi lại của các phương tiện không bảo đảm an toàn. Trước tình thế này phía các ngành chức năng đã khảo sát, tạm dừng việc lưu thông qua đoạn đường này để khắc phục.
Dự kiến, hết sáng nay sẽ khắc phục tạm thời một phần để bảo đảm việc lưu thông cho xe máy qua lại. Còn các phương tiện khác hiện vẫn chưa thể lưu thông, chờ phương án khắc phuc triệt để nguy cơ sạt lở, tránh rủi ro.
Mưa lớn nhiều ngày qua khiến Quốc lộ 16 qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong sạt lở, tạm đóng đường để khắc phục và tổ chức di dời 4 hộ gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm. |
Liên quan tới 4 hộ gia đình sinh sống dưới phần taluy âm đoạn đường sụt lún này, từ chiều 15/7 huyện Quế Phong đã tổ chức di dời tài sản cũng như người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại vẫn đang chờ các cơ quan chức năng khảo sát, lên phương án xử lý triệt để khu vực sụt lún này.
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lớn xảy ra trên diện rộng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An (Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS Nghệ An) cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa, lũ, có các biện pháp phòng chống hiệu quả.
Nội dung văn bản yêu cầu, để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ và mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT -TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các Sở, ban, ngành liên quan triển khai nghiêm túc công văn số 95/BCH-PCTT ngày 12/7/2024 của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, đồng thời thực hiện một số nội dung gồm:
Mưa lớn khiến đoạn đường Quốc lộ 7 đoạn qua xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành đang thi công dang dở nay ngập chìm trong nước khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng, mất an toàn. |
Đối với khu vực ven biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Đề phòng dông lốc cục bộ.
Đối với trên đất liền, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn chủ quan.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo. Thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra...
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn