Tuần trước cả nhà tôi về chơi quê nội. Vừa đến đầu làng đã gặp một đám tang, chiếc xe chở linh cữu phủ đầy một màu hoa trắng. Mẹ chồng tôi bảo cô gái vắn số kia đang độ dậy thì rất xinh xắn. Một sáng người ta phát hiện chiếc xe đạp của em dựng bên thành cầu. Hơn một ngày sau mọi người mới vớt được xác em. Em không chỉ ra đi một mình mà còn mang theo một hài nhi trong bụng. Bức thư tuyệt mệnh em để lại chỉ vỏn vẹn một dòng: “Nếu có kiếp sau, con nhất định sẽ làm một đứa con ngoan của bố mẹ”.
Người ta trách em dại dột thì ít mà xót thương em thì nhiều bởi em còn nhỏ quá. Ở tuổi ấy, bạn bè em chắc mới chỉ bắt đầu biết làm dáng, biết mơ mộng. Còn em thì lại đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi quá lớn. Hẳn là em đã nghĩ chết là sự lựa chọn tốt nhất, vậy nên em “đi”. Chỉ có nỗi đau giống như một cú đòn cật lực giáng xuống người mẹ trẻ. Em còn quá nhỏ để hiểu rằng sự lựa chọn của mình là ích kỉ. Em kết thúc nỗi đau của em nhưng lại bắt đầu nỗi đau cho người khác.
Tôi đã từng đọc một một bài báo viết về chàng trai trẻ 17 tuổi ở Trung Quốc vì quá chán nản cuộc sống nghèo khó mà đã chọn cái chết với hi vọng sẽ đầu thai làm người giàu có ở kiếp sau. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ, cậu đã nói cậu cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối trong sự khốn khó của gia đình. Cuối bức thư cậu viết: “Nếu con chết, con không muốn phiền đến ai, đó là quyết định của con. Nếu có kiếp sau, con không muốn lại sinh ra trong một gia đình nghèo khổ nữa”.
Vì nghèo, cha mẹ cậu phải tha phương làm công nhân. Bố cậu đã rất ân hận vì không quan tâm nhiều hơn đến con mình, còn mẹ cậu đau buồn đến suy sụp. Câu chuyện này đã khiến rất nhiều người phải suy ngẫm, nhưng đa số đều lên án hành động của chàng trai 17 tuổi này. Bởi nghèo không thể là lý do để cậu kết thúc cuộc sống. Bố mẹ cậu nhiều tuổi rồi mà vẫn đang từng ngày cố gắng để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi cậu ăn học, tại sao cậu lại không thể cố gắng?
Cuộc đời vốn nhiều thăng trầm, biến động, và ở đó mỗi người đều phải trả qua rất nhiều sự lựa chọn ở những giai đoạn khác nhau. Đã gọi là lựa chọn thì chắc chắn là có những toan tính phân vân, có được và mất. Có những sự lựa chọn sẽ khiến bản thân thiệt thòi, có những sự lựa chọn sẽ làm tổn thương người khác. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng lựa chọn cái chết là sự lựa chọn độc ác và ích kỉ nhất. Đó là tìm sự yên ổn cho mình nhưng lại để lại nỗi day dứt, mất mát, đớn đau quá lớn cho rất nhiều người khác.
Cạnh nơi tôi ở là một quán cà phê nhỏ. Đôi bận rảnh rỗi ghé quán ngồi, gặp lúc vắng khách chị chủ quán hay ngồi cùng trò chuyện đôi câu. Đôi khi vô tình thấy chồng chị rượu say lèm bèm chửi đổng. Chị ái ngại nhìn tôi: “Em đừng để ý, nếu khổ quá mà chết được thì chị đã hóa kiếp mấy lần rồi. Nếu có kiếp sau chị không muốn làm người nữa”.
Chị kể chị đã qua hai đời chồng, với hai lần mang thai không thành. Chị xinh đẹp, chị khéo léo mà không hiểu sao toàn gặp phải những gã vũ phu. Chị nói chị muốn bỏ mà không bỏ được. Chị muốn buông xuôi đời mà buông không xong. Chị đi xem bói, thầy bói nói kiếp trước chị nặng nợ, kiếp này phải oằn mình mà trả, đừng kêu ca oán thán. Cuộc đời đôi khi buồn không nói hết. Tôi bảo chị: “Nếu thấy sống chung khổ quá thì thôi đi. Ai bắt chị phải gồng mình chịu đựng. Chịu đựng khi nào cho hết kiếp người”. Chị nghe xong lắc đầu: “Không, chị ngộ ra rồi, chị chẳng còn thấy đau khổ nữa, đó là cái nợ nần của chị, phải trả chứ em. Trả hết nợ thì kiếp sau mới siêu thoát được”.
Rất nhiều người tin rằng khi chúng ta kết thúc ở kiếp này, chúng ta sẽ đầu thai ở kiếp khác. Và nếu chúng ta sai lầm ở kiếp này, thiếu sót ở kiếp này thì chúng ta sẽ có cơ hội sửa sai và bù đắp ở một kiếp khác. Chúng ta khổ và chúng ta mặc định số phận của mình an bài vậy rồi, có cố cũng không thay đổi được. Chúng ta hi vọng hạnh phúc sẽ đến sau khi ta lìa đời, nghe thật buồn cười nhưng cũng thật xót xa.
Nếu có kiếp sau - câu này tôi nghe quen lắm. Thưở mới yêu, cũng có người đã từng nói với tôi câu ấy: “Nếu có kiếp sau mình sẽ vẫn yêu nhau nhé, và anh nhất định sẽ yêu em nhiều hơn, không để em rơi nước mắt vì anh nữa”. Lúc đó tôi nhớ là tôi đã xúc động lắm. Sau này khi nỗi đau qua đi tôi mới buồn cười nhận ra mình thật ngốc. Gặp nhau đây rồi mà không yêu nhau được, thì mong gì gặp lại lần nữa. Nếu ta gặp một người, yêu họ và rồi khổ đau, hoặc là ta đã yêu sai người, hai là ta yêu sai cách. Điều ta cần làm là học lại cách yêu chứ không phải là đổ lỗi cho số phận hay duyên kiếp.
Cuộc đời này chỉ có một, tưởng dài dằng dặc nhưng thực ra ngắn như một cái chớp mi. Đời có phải là một trang giấy đâu mà sống nháp, yêu nháp được. Làm sao lại tự cho mình có quyền được phép ích kỉ, được phép làm đau người khác chỉ vì tin rằng sẽ có kiếp sau để bù đắp? Chết thì dễ mà sống thì quá khó. Sống thoải mái, vô lo không vướng bận càng là điều không tưởng. Nhưng chính vì ngược gió chứ không phải theo chiều gió mà những cánh diều bay lên cao mãi. Nếu một chút cảm xúc của mình cũng không làm chủ được, sinh mạng của mình cũng không biết nâng niu, thì dù có kiếp sau hoặc rất nhiều kiếp sau nữa cũng ích gì?
Người ta trách em dại dột thì ít mà xót thương em thì nhiều bởi em còn nhỏ quá. Ở tuổi ấy, bạn bè em chắc mới chỉ bắt đầu biết làm dáng, biết mơ mộng. Còn em thì lại đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi quá lớn. Hẳn là em đã nghĩ chết là sự lựa chọn tốt nhất, vậy nên em “đi”. Chỉ có nỗi đau giống như một cú đòn cật lực giáng xuống người mẹ trẻ. Em còn quá nhỏ để hiểu rằng sự lựa chọn của mình là ích kỉ. Em kết thúc nỗi đau của em nhưng lại bắt đầu nỗi đau cho người khác.
Tôi đã từng đọc một một bài báo viết về chàng trai trẻ 17 tuổi ở Trung Quốc vì quá chán nản cuộc sống nghèo khó mà đã chọn cái chết với hi vọng sẽ đầu thai làm người giàu có ở kiếp sau. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ, cậu đã nói cậu cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối trong sự khốn khó của gia đình. Cuối bức thư cậu viết: “Nếu con chết, con không muốn phiền đến ai, đó là quyết định của con. Nếu có kiếp sau, con không muốn lại sinh ra trong một gia đình nghèo khổ nữa”.
Vì nghèo, cha mẹ cậu phải tha phương làm công nhân. Bố cậu đã rất ân hận vì không quan tâm nhiều hơn đến con mình, còn mẹ cậu đau buồn đến suy sụp. Câu chuyện này đã khiến rất nhiều người phải suy ngẫm, nhưng đa số đều lên án hành động của chàng trai 17 tuổi này. Bởi nghèo không thể là lý do để cậu kết thúc cuộc sống. Bố mẹ cậu nhiều tuổi rồi mà vẫn đang từng ngày cố gắng để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi cậu ăn học, tại sao cậu lại không thể cố gắng?
Cuộc đời vốn nhiều thăng trầm, biến động, và ở đó mỗi người đều phải trả qua rất nhiều sự lựa chọn ở những giai đoạn khác nhau. Đã gọi là lựa chọn thì chắc chắn là có những toan tính phân vân, có được và mất. Có những sự lựa chọn sẽ khiến bản thân thiệt thòi, có những sự lựa chọn sẽ làm tổn thương người khác. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng lựa chọn cái chết là sự lựa chọn độc ác và ích kỉ nhất. Đó là tìm sự yên ổn cho mình nhưng lại để lại nỗi day dứt, mất mát, đớn đau quá lớn cho rất nhiều người khác.
Cạnh nơi tôi ở là một quán cà phê nhỏ. Đôi bận rảnh rỗi ghé quán ngồi, gặp lúc vắng khách chị chủ quán hay ngồi cùng trò chuyện đôi câu. Đôi khi vô tình thấy chồng chị rượu say lèm bèm chửi đổng. Chị ái ngại nhìn tôi: “Em đừng để ý, nếu khổ quá mà chết được thì chị đã hóa kiếp mấy lần rồi. Nếu có kiếp sau chị không muốn làm người nữa”.
Chị kể chị đã qua hai đời chồng, với hai lần mang thai không thành. Chị xinh đẹp, chị khéo léo mà không hiểu sao toàn gặp phải những gã vũ phu. Chị nói chị muốn bỏ mà không bỏ được. Chị muốn buông xuôi đời mà buông không xong. Chị đi xem bói, thầy bói nói kiếp trước chị nặng nợ, kiếp này phải oằn mình mà trả, đừng kêu ca oán thán. Cuộc đời đôi khi buồn không nói hết. Tôi bảo chị: “Nếu thấy sống chung khổ quá thì thôi đi. Ai bắt chị phải gồng mình chịu đựng. Chịu đựng khi nào cho hết kiếp người”. Chị nghe xong lắc đầu: “Không, chị ngộ ra rồi, chị chẳng còn thấy đau khổ nữa, đó là cái nợ nần của chị, phải trả chứ em. Trả hết nợ thì kiếp sau mới siêu thoát được”.
Rất nhiều người tin rằng khi chúng ta kết thúc ở kiếp này, chúng ta sẽ đầu thai ở kiếp khác. Và nếu chúng ta sai lầm ở kiếp này, thiếu sót ở kiếp này thì chúng ta sẽ có cơ hội sửa sai và bù đắp ở một kiếp khác. Chúng ta khổ và chúng ta mặc định số phận của mình an bài vậy rồi, có cố cũng không thay đổi được. Chúng ta hi vọng hạnh phúc sẽ đến sau khi ta lìa đời, nghe thật buồn cười nhưng cũng thật xót xa.
Nếu có kiếp sau - câu này tôi nghe quen lắm. Thưở mới yêu, cũng có người đã từng nói với tôi câu ấy: “Nếu có kiếp sau mình sẽ vẫn yêu nhau nhé, và anh nhất định sẽ yêu em nhiều hơn, không để em rơi nước mắt vì anh nữa”. Lúc đó tôi nhớ là tôi đã xúc động lắm. Sau này khi nỗi đau qua đi tôi mới buồn cười nhận ra mình thật ngốc. Gặp nhau đây rồi mà không yêu nhau được, thì mong gì gặp lại lần nữa. Nếu ta gặp một người, yêu họ và rồi khổ đau, hoặc là ta đã yêu sai người, hai là ta yêu sai cách. Điều ta cần làm là học lại cách yêu chứ không phải là đổ lỗi cho số phận hay duyên kiếp.
Cuộc đời này chỉ có một, tưởng dài dằng dặc nhưng thực ra ngắn như một cái chớp mi. Đời có phải là một trang giấy đâu mà sống nháp, yêu nháp được. Làm sao lại tự cho mình có quyền được phép ích kỉ, được phép làm đau người khác chỉ vì tin rằng sẽ có kiếp sau để bù đắp? Chết thì dễ mà sống thì quá khó. Sống thoải mái, vô lo không vướng bận càng là điều không tưởng. Nhưng chính vì ngược gió chứ không phải theo chiều gió mà những cánh diều bay lên cao mãi. Nếu một chút cảm xúc của mình cũng không làm chủ được, sinh mạng của mình cũng không biết nâng niu, thì dù có kiếp sau hoặc rất nhiều kiếp sau nữa cũng ích gì?
Tác giả bài viết: Lê Giang
Nguồn tin: