Du lịch

Nào đâu chỉ chiếc ghế ngồi

Ghế mây từng là thứ hồi môn để mang về nhà chồng của phụ nữ Thái khi đi làm dâu. Trong xu thế phát triển đời sống xã hội của người vùng cao, thứ vật dụng thân thuộc này mang nhiều ý nghĩa hơn, thành vật trang trí, ghế ngồi tiếp khách và là thứ hàng hóa được ưa thích.

1. Dường như Lương Văn Chôm gầy yếu hơn độ tuổi 72. Ông lão thong thả tản bộ từ căn chòi ngoài ruộng về nhà khi anh con trai thông báo có khách. Ông Chôm không dùng điện thoại. Từ nhà vẫn nhìn rõ căn chòi của ông ở phía bên kia những đám ruộng. Tai ông đã nặng. Có việc là anh con trai chạy tận nơi mà gọi. Khách có anh Nguyễn Đạo, nghệ sĩ nhiếp ảnh và tôi. Biết tiếng ông Chôm có tay nghề làm ghế mây khá nhất nhì trong bản, chúng tôi tìm đến. Dân bản gần xa gọi ông là nghệ nhân, thứ danh hiệu do quen miệng mà thành, do sự dễ dãi của truyền thông mà thành.

Ông Lương Văn Chôm, bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, Quế Phong đang hoàn thiện chiếc ghế mây. Ảnh Nguyễn Đạo

Căn nhà của ông Chôm thuộc loại tồi tàn ở bản Na Nhắng, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An). Na Nhắng là bản của người Khơ Mú, trước kia vốn ở xã Nậm Nhoóng cách nơi mới khoảng ba chục cây số. Từ đầu thập niên 1990, bà con đến định cư và dần dà thành bản. Ngày nay, người Khơ Mú ở Na Nhắng cơ bản đã từ bỏ lối sống săn bắt hái lượm, du canh, du cư. Bà con làm lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi và cũng đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động. Nhìn bề ngoài, Na Nhắng khá giống các bản người Thái ở xã Tiền Phong, nhà sàn ở lẫn với nhà xây. Chỉ khi nghe bà con giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, tôi mới nhận ra đây là một bản người Khơ Mú. Nhà ông Chôm thuộc diện khó khăn, có 8 miệng ăn nhưng anh con trai là lao động khả dĩ nhất thì từ hơn năm nay đã phải ở nhà chữa bệnh do nhiễm virus viêm gan B. Không đi làm xa được, anh con trai đành bán cá tôm, thêm mấy thứ lặt vặt để giúp đỡ gia đình. Anh bán cả những sản phẩm mây tre đan của cha làm.

Ông Chôm khá kiệm lời, ngồi vào việc ngay khi biết Nguyễn Đạo muốn “lấy chút hình ảnh”. Ngày đã muộn, ngoài hiên có hơi tối nhưng ông Chôm vẫn thao tác nhanh nhẹn. Có lẽ mắt ông còn tinh, từ lâu vốn quen tay đan lát, đã thành lão luyện.

Lương Văn Chôm đang hoàn thiện chiếc ghế mây. Ông nói nghề đan chẳng cần phải học nhiều. Thời trẻ khi còn ở quê cũ ông đã đan sọt, gùi, rổ rá, nong, nia, sàng. Mâm nan, ghế mây ông cũng từng làm. Cuộc sống du canh, du cư khiến đàn ông Khơ Mú ai cũng biết đan các vật dụng từ mây tre. Mà rừng có sẵn nguyên liệu. Các thứ vật dụng dễ làm, dễ bỏ lại khi phải chuyển rẫy, chuyển bản. Thiên nhiên đặc thù đã tạo nên lối sống du cư, du mục vẫn còn đâu đó trên hành tinh này.

2. Nhìn ông Chôm cùng chiếc ghế mây khi chiều muộn, tôi nhớ về chiếc ghế mây thuở ấu thơ khi sống trong căn nhà của ông bà nội. Cha mẹ thuở đó còn chưa đưa anh em tôi ra ở riêng. Tôi chừng 6 tuổi. Trí nhớ dù non nớt nhưng vẫn như cuốn băng mờ ảo tua chậm rãi. Tôi nhớ trong nhà ngày đó chỉ có một chiếc ghế mây. Nan đan trên mặt ghế đã lên nước loáng bóng. Giữa mặt ghế có một chỗ thủng. Thủng nhưng mọi người vẫn dùng, vẫn ngồi còn cái lỗ thủng thì rộng toác ra đến nỗi bà nội phải đặt lên mặt ghế một chiếc nệm hình vuông mới ngồi được.

Với người Khơ mú, ghế mây gắn liền với lịch sử cư trú du cách, du cư của cộng đồng. Ảnh Nguyễn Đạo

Chiếc ghế sau đó bị bỏ đi. Nó bị bỏ đi lúc nào thì tôi không nhớ nữa. Chỉ nghe người lớn trong nhà nói lại chiếc ghế mây là một trong các thứ đồ hồi môn ông bà ngoại cho mẹ tôi khi đưa về nhà chồng. Nào gối, chăn, ghế mây. Đó là cái lệ của tục cưới người Thái, nếu là nhà gái thì ngoài mấy thứ hồi môn đó, cha mẹ có thể cho con gái xà tích, vòng bạc, vòng vàng, trâu bò để về nhà chồng. Mẹ tôi thì chẳng có được thứ hồi môn quý giá nào ngoài mấy thứ gối nệm và chiếc ghế mây. Cha còn đi bộ đội nên sau cưới hai năm mẹ mới sinh tôi. Ngày đó tôi sáu tuổi nghĩa là chiếc ghế khi tôi nhớ được nó đã được dùng trong tám năm rồi. Bây giờ người ta gọi là đã “hết đát”.

Tôi vẫn nhớ trong nhà chỉ có bà, mẹ và các cô thường dùng ghế mây. Đàn ông chẳng mấy khi ngồi. Người già bảo kiêng, thứ ghế này chỉ dành cho phụ nữ. Nhưng trong một số trường hợp tục kiêng cũng áp dụng với phụ nữ. Quê tôi vẫn cấm phụ nữ ngồi ghế mây ở gian nhà có bàn thờ gia tiên. Sau này tôi biết có nơi còn cấm con rể ngồi ghế mây ở nhà bố mẹ vợ. Thuở nhỏ tôi bị người lớn đem đủ thứ chuyện ra hù dọa khi bị bắt gặp đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế mây.

Chiếc ghế mây nhà ông bà nội chỉ còn trong trí nhớ của tôi. Thi thoảng tôi có nghĩ về nó khi đi dự cưới trong cộng đồng hoặc ở bản làng xa hơn, những nơi con gái vẫn xách theo ghế mây trong ngày đi làm dâu như là một tục lệ. Nhiều nơi tục lệ này chỉ còn là tượng trưng, duy trì lấy lệ. Ghế mây kỳ thực không mấy ai ưa thích. Cho đến gần đây, người vùng cao xứ Nghệ học làm du lịch. Những điểm du lịch lớn bé xuất hiện khắp các huyện miền núi ở Nghệ An. Các homestay, farmstay tính ra đã đến dăm chục cái rải rác khắp miền núi rộng lớn. Du lịch miền núi đang dần phát triển và gần đây người ta có xu hướng trở lại với vật dụng cũ xưa như là sự hoài niệm. Người làm du lịch cũng du lịch đến các địa phương miền núi khác, thấy người ta làm thế thì cũng đem về áp dụng. Ban đầu chỉ những điểm du lịch có bày ghế mây, chăn gối truyền thống, mõ trâu, khăn áo, chum lọ, khèn sáo… phục vụ những thứ người ta quen gọi là trải nghiệm, khám phá. Khách đến ăn uống thăm thú làng bản có cái xem. Nhiều vật dụng truyền thống tưởng như đồ bỏ đi được nâng tầm thành sản phẩm du lịch.

Ghế mây từng gắn liền với các quan niệm tâm linh và điều cấm kỵ Ảnh Nguyễn Đạo

Cũng từ đó, cư dân trong các bản trở lại với nhiều thứ bị bỏ bẵng lãng quên. Cái ghế mây là một trong những vật dụng như thế. Đời sống kinh tế đang thay đổi, người người đua nhau mua sắm cho bản thân, vợ con và cả ngôi nhà của mình. Trước đây trong nhà sàn không có chiếc ghế mây chẳng sao. Nay vắng nó thấy thiêu thiếu, văng vắng. Vậy là mua về dùng, mua về trang trí. Nhà người ta sắm mình cũng nên có. Thế là chiếc ghế may trở thành thứ nhu cầu dù chẳng nhà nào thiếu ghế gỗ, ghế nhựa. Khách đến mời ngồi ghế mây, chẳng cần để ý chuyện kiêng kỵ gì nữa.

3. Từ nhu cầu người dùng mà sản xuất ghế mây dần trở thành một cái nghề và trở thành một bộ phận của nghề mây tre đan của người miền núi. Trong những năm gần đây các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương xuất hiện các thợ làm ghế mây và các vật dụng đan lát của người miền núi. Trước kia các thợ làm ghế mây chỉ đem bán nhỏ lẻ tại các chợ huyện, chợ xã, hội chợ hàng thủ công và cả hội chợ nông sản trong huyện, trong tỉnh. Họa hoằn có khách đặt mua. Nay vẫn nhỏ lẻ, nhưng kiếm khá hơn. Chưa bao giờ du lịch trong nước, du lịch địa phương phát triển như hiện nay. Sau đại dịch Covid – 19, người ta du lịch nhiều hơn. Đi cho thỏa những tháng năm giãn cách để rồi thành thói quen, thành phong trao hễ rỗi là rủ nhau du lịch, đến đâu cũng muốn mua thứ gì đó làm kỷ niệm. Việc rao bán và gửi hàng cũng đang dễ dàng hơn bao giờ nhờ có chợ trực tuyến trên mạng xã hội và các đơn vị chuyển phát thì nhiều như nấm sau mưa. Chưa kể các nhà xe lớn bé, xe khách, xe dù đều nhận chở hàng. Chỉ cần nhấc điện thoại bấm phím là xong.

Trong xu thế phát triển của đời sống xã hội người vùng cao, chiếc ghế mây cũng có những ý nghĩa riêng. Ảnh Nguyễn Đạo

Và cũng theo cung cách dễ dàng, tiện lợi như thế, ghế mây đang trở thành một thứ hàng hóa. Nó không còn giản đơn là chiếc ghế ngồi, thứ của hồi môn theo các cô gái về nhà chồng.

Ồ, đương nhiên rồi. Không chỉ chiếc ghế mây, nhiều thứ sản vật khác của người vùng cao đang gia nhập thị trường hàng hóa nhờ sự phát triển công nghệ. Nhưng đó sẽ là một vấn đề lớn và dài hơi để bàn luận.

Nhìn ông Lương Văn Chôm tôi lại nhớ về cái ghế mây thuở ấu thơ của tôi khi nó vẫn còn mang vẻ huyền bí của những cấm kỵ. Đúng hơn là con người ta, thời ấy và có lẽ còn rất lâu nữa sẽ vẫn bị ràng buộc bởi những điều cấm kỵ.

Tác giả: Hữu Vi

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP