Trong tỉnh

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng

Sáng 15/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Tổng kết công tác Lâm nghiệp năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Quang cảnh hội nghị

Toàn tỉnh có trên 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh báo cáo tóm tắt kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết: Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đã đạt được những kết quả quan trọng. Các nội dung của Chỉ thị đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đã được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chủ rừng và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngành lâm nghiệp đã trở thành 1 trụ cột của nền kinh tế, kỹ thuật, đã có bước phát triển và khẳng định được vai trò trong nền kinh tế, đời sống của người dân làm nghề rừng từng bước được cải thiện đáng kể. Diện tích rừng trồng tăng nhanh và ổn định; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học rừng cơ bản được bảo vệ tốt, độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36% (tăng 1,2% so với trước khi ban hành Chỉ thị). Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển. Các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp từng bước được quan tâm và hoàn thiện. Từ chưa có diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì đến nay, toàn tỉnh đã có trên 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng đều hàng năm.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, thực hiện quy trình bài bản và đúng quy định hơn, nhất là đối với các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, các dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, từ năm 2017 tỉnh đã tạm dừng hơn 50 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, để trình cấp có thẩm quyền xem xét; các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su không phát sinh quy hoạch và cấp phép mới. Tuy nhiên với nhu cầu phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của tỉnh, qua xem xét chủ trương và chính sách liên quan thì việc cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác vẫn cần tạo điều kiện để thực hiện. Trên thực tế sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, tỉnh đã xin chủ trương, tiến hành cấp phép chuyển đổi cho 87 dự án thực hiện có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Công tác phối hợp liên ngành được quy định rõ và thực hiện tốt hơn. Các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp và mức độ xã hội hóa nghề rừng dần đi vào thực chất hơn. Các vụ việc liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đều được xử lý kịp thời, nghiêm túc, an ninh rừng được giữ vững, tình hình vi phạm lâm luật được hạn chế tối thiểu. Kinh tế hộ gia đình, cá nhân làm nghề rừng ngày một khởi sắc, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm giàu từ rừng. Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi thay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng.

Diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt, không có điểm nóng, vụ việc nổi cộm xảy ra

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Nhung báo cáo kết quả công tác lâm nghiệp năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Nhung cho biết: Năm 2022, công tác Lâm nghiệp đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về Lâm nghiệp được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 5067/QĐ-UBND ngày 24/12/2021. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tương đối tốt, diện tích chất lượng rừng trồng tăng. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng đã chủ động, huy động, cân đối, lồng nghép tốt các nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời nhiệm vụ lâm nghiệp trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 9,07%, tăng 1,27% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD, tăng 66% so với năm 2021. Trồng rừng tập trung 20.789,64 ha/18.500 ha kế hoạch, đạt 112,38% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2021. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được kiểm soát có hiệu quả, giảm 77% số vụ cháy, giảm 59,2% diện tích bị cháy so với năm 2021; diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt, không có điểm nóng, vụ việc nổi cộm xẩy ra.

Công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp năm 2022 thực hiện được 25.999,56 ha, đạt 100% so với kế hoạch được giao. Tổng nguồn thu từ chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng đạt trên 167.847 triệu đồng, đạt 124% kế hoạch. Công tác giám sát, thực hiện quy trình thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công tác phòng chống khai thác, chặt phá rừng trái phép được tăng cường, trong năm toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 648 vụ vi phạm lâm luật, giảm 138 vụ, tương đương 17,55% so với năm 2021 (786 vụ)...

Các địa phương kiến nghị tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng Kiểm lâm

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để UBND huyện tiếp tục giao rừng với diện tích trên 55.000 nghìn ha

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê đề nghị bổ sung biên chế cho lực lượng Kiểm lâm huyện, nhất là Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đảm bảo tối thiểu mỗi xã có 01 cán bộ Kiểm lâm địa bàn phụ trách

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận về: Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế rừng; công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp; khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và quản lý rừng bền vững của chủ rừng...

Các đại biểu đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chấp thuận kết quả rà soát 3 loại rừng ở các địa phương; đề nghị Chính phủ cho phép người dân cải tạo rừng nghèo kiệt không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng cao, từ đó nâng cao chất lượng rừng, tạo việc làm để người dân phát triển kinh tế từ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh theo quy định để thống nhất một lực lượng Kiểm lâm trên một địa bàn; rà soát và sửa đổi chức năng nhiệm vụ của Kiểm lâm phụ trách địa bàn để phù hợp với tình hình hiện nay...

Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị tập trung thực hiện hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp GCN QSD đất lâm nghiệp theo quy định

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các Sở, ngành, địa phương, đơn vị luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng, xem việc bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản chỉ đạo, quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo rà soát các quy hoạch, đề án có ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp, đề xuất điều chỉnh những nội dung quy hoạch, đề án không hợp lý; đánh giá chặt chẽ các tác động của các dự án phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên rừng, đề xuất những các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các đơn vị kiểm soát chặt chẽ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu về lâm nghiệp được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 4378/QĐ-UBND ngày 30/12/2022. Phối hợp tốt với các đơn vị của Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn 2050. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư về lâm nghiệp, đặc biệt là các dự án ODA đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023. Triển khai các giải pháp đồng bộ để tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phương án bảo vệ rừng tại các địa phương và chủ rừng. Hoàn thành việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo quy định. Hướng dẫn khai thác rừng trồng, đặc biệt là từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 26 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc lâm sản để tránh sai phạm đáng tiếc xảy ra. Các Chủ rừng và Hội đồng quyết toán được thành lập tại Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 khẩn trương thẩm tra quyết toán Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, các Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 không để kéo dài...

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP