Số hóa

Mặt trái chết người của công nghệ nhận diện khuôn mặt

Nhận diện khuôn mặt (FR) được đánh giá là công nghệ tiên tiến, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc nhưng đang bị hạn chế tại Mỹ

Nhận diện khuôn mặt còn giúp cơ quan chức năng tìm kiếm, xác định danh tính, bắt giữ tội phạm cùng nhiều ứng dụng thiết thực khác trong đời sống và đang được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Song tại Mỹ, giới chức nước này dè dặt và triển khai một cách rất thận trọng, thậm chí là hạn chế.

Chỉ mất 3 phút xác định danh tính nghi phạm thay vì 30 ngày

Nếu như ngày trước, sau vụ tấn công khủng bố 11/9 động trời tại New York, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải mất tới cả tháng để xác minh danh tính của những kẻ tình nghi, in ảnh và phát tờ rơi, nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng thì nay với công nghệ nhận diện khuôn mặt (FR), lực lượng thực thi pháp luật có thể xác định chỉ trong vòng 3 phút.

Con số đáng ngạc nhiên này được đúc kết sau nghiên cứu do Giám đốc thông tin Cơ quan Cảnh sát Ottawa, ông Daniel Steeves thực hiện trong vòng 6 tháng bằng cách ứng dụng FR vào công tác điều tra các vụ trộm. Nghiên cứu cho thấy, công cụ này “giúp rút ngắn thời gian trung bình cần thiết để cảnh sát xác minh một chủ thể qua hình ảnh từ 30 ngày xuống chỉ còn 3 phút”.

Tại TP New York, công nghệ FR đã được triển khai trên một loạt các hoạt động điều tra như bắt giữ nghi phạm cố tình đẩy ngã một hành khách khác tại sân ga tàu điện ngầm, xác định danh tính một phụ nữ phải nhập viện đang bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer, tìm ra danh tính của một kẻ buôn người, lạm dụng tình dục trẻ em.

Trong năm 2018, nhà chức trách New York ghi nhận 7.024 yêu cầu tìm kiếm qua FR và nhận kết quả nhận dạng 1.851 trường hợp chính xác, bắt giữ 998 người. Tại Trung Quốc, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được áp dụng triệt để hơn, vào gần như mọi mặt của đời sống từ quản lý việc thực thi pháp luật đến giao dịch thương mại.

Rủi ro chết người

Tuy nhiên, ở Mỹ, việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt lại đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Giáo sư về Luật và Khoa học Máy tính tại Khoa Luật, Đại học Northeastern Woodrow Hartzog và ông Evan Selinger, Giáo sư về tâm lý tại Viện Khoa học Công nghệ Rochester cho rằng: “Công nghệ nhận diện khuôn mặt là cơ chế giám sát nguy hiểm nhất từng được phát minh”. Theo hai giáo sư, “việc giám sát khẩn cấp được thực hiện với các hệ thống nhận diện khuôn mặt thực chất là áp bức. Sự tồn tại đơn thuần của các hệ thống nhận dạng khuôn mặt, vô hình trung gây hại cho quyền tự do dân sự, bởi mọi người sẽ hành động khác nếu nghi ngờ bị giám sát”.

Ông Clare Garvie, đến từ Trung tâm về Công nghệ và Quyền riêng tư cảnh báo về việc các lực lượng pháp luật sử dụng FR rằng: Nếu hệ thống giám sát qua video xảy ra bất cứ sai lầm nào đồng nghĩa một người vô tội đã bị theo dõi, điều tra và có thể bị bắt, cáo buộc tội danh mà họ không hề phạm phải.

“Còn nếu xảy ra sai lầm trên hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt, có thể dẫn đến hậu quả chết người bởi khi được cảnh báo về mối đe dọa đối với an toàn của cộng đồng hoặc chính bản thân mình trong phút chốc, người sĩ quan sẽ phải ngay lập tức quyết định có rút vũ khí để bảo vệ hay không. Trong trường hợp xảy ra cảnh báo nhầm, một người vô tội sẽ đổ máu”.

Trong một bài viết chia sẻ về lĩnh vực có tiêu đề: “Nhận diện khuôn mặt: Đây là lúc phải hành động”, ông Brad Smith, Chủ tịch Microsoft viết rằng: “Việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ đặt sự tự do cơ bản của con người vào nguy cơ bị giám sát thường xuyên”.

Ông Smith lý giải: “Khi kết hợp giữa camera, sức mạnh khổng lồ của máy tính và dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống đám mây, chính phủ có thể sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giám sát liên tục các cá nhân cụ thể. Hệ thống này cho phép theo dõi bất cứ ai ở bất cứ đâu, thậm chí là tất cả mọi người và ở mọi nơi, mọi lúc. Việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể tạo ra nguy cơ giám sát cộng đồng trên quy mô chưa từng có tiền lệ”.

Hiện tại, phản ứng trước những lo ngại của giới chuyên gia, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc hạn chế việc sử dụng FR. Tháng 5/2019 vừa qua, San Francisco, bang California đã trở thành địa phương đầu tiên thông qua luật ngăn chặn các cơ quan chính phủ sử dụng FR. Kể từ đó đã có một số thành phố như: Somerville, bang Massachusetts và Oakland thuộc bang California nối gót.

Theo các chuyên gia, việc hạn chế sử dụng là chưa đủ, giới chức còn phải đảm bảo minh bạch khi cơ quan chức năng thực thi pháp luật hay trong khi các công ty công nghệ triển khai FR.

Một điều đặc biệt quan trọng khác, đó là giới chức phải đảm bảo cơ quan thực thi pháp luật chỉ sử dụng FR để xác định danh tính các nghi phạm chứ không lấy đó làm căn cứ để bắt giữ hoặc truy tố.

Tác giả: Trang Trần

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP