Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương. |
Yêu cầu trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ”, diễn ra cuối tuần qua.
Quán triệt một số nội dung chủ yếu của Quy định 65-QĐ/TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Đồng thời, giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài…
Mục đích, yêu cầu của luân chuyển cán bộ là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ. Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, chủ trương của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ đã có từ rất lâu, cụ thể năm 1997 trong Hội nghị lần thứ 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXH Việt Nam trong sạch, vững mạnh” đã có một nội dung nói về luân chuyển cán bộ. Hội nghị này đã đề cập đến việc tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ… Nội dung về công tác luân chuyển cán bộ tiếp tục được Đảng bổ sung tại Nghị quyết 11 ngày 25/11/2002 của Bộ Chính trị “Về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”…
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, việc thực hiện luân chuyển cán bộ theo Quy định 65 phải đồng bộ với văn bản có liên quan đến công tác cán bộ đã ban hành trước đó, đồng thời đề nghị các tổ chức đảng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sâu để thực hiện đầy đủ. “Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm là chưa đủ, quan trọng là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển. Thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”, bà Trương Thị Mai lưu ý.
Quan điểm của Bộ Chính trị là sẽ không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt; yêu cầu đi thực, làm thực. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương phải chủ động hơn, năng động hơn trong đánh giá cán bộ đưa đi luân chuyển; phải tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của Đảng về công tác cán bộ.
Tác giả: Khánh Chi
Nguồn tin: phapluatplus.vn