Giáo dục

Lợi thế với chứng chỉ ngoại ngữ

Xu hướng tuyển sinh những năm gần đây đã tạo ra phong trào học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, cùng một chứng chỉ ngoại ngữ khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) khác nhau sẽ được quy đổi thành điểm khác nhau tùy quy định của mỗi trường.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nghe phổ biến thông tin tuyển sinh. Ảnh: VNU.

Mỗi trường quy đổi điểm khác nhau

Năm 2024, trong phương thức xét tuyển của phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH đều xuất hiện phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này khiến nhiều thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH đổ xô đi học và ôn luyện để thi lấy chứng chỉ.

Nguyễn Việt Long (HS lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, em đang cân nhắc nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Bách khoa Hà Nội. Tháng 3 tới đây em sẽ thi lấy chứng chỉ IELTS với mục tiêu đặt ra là 6.5 để thêm cơ hội xét tuyển cùng với học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó em cũng đang ôn luyện để tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức vào tháng 4/2024.

Được biết, mức quy đổi điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố trong đề án tuyển sinh 2024 của trường thay thế cho điểm thi môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển được quy định như sau: Mức điểm quy đổi cao nhất là 10, áp dụng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS 7.5 - 9.0 hoặc TOEFL iBT từ 102 trở lên hoặc TOEIC (L&R/S/W) mức 965/190/190 trở lên. Mức quy đổi thấp nhất là 8, áp dụng với thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 - 59 trở lên hoặc TOEIC (L&R/S/W) 785/160/150 trở lên.

Trường ĐH Giao thông vận tải quy đổi chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh ĐH năm 2024 theo mức chung hơn. Cụ thể, thí sinh được tính 10 điểm nếu có chứng chỉ IELTS từ 7.0 trở lên. Thí sinh có IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm.

Danh sách các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đầu vào hệ ĐH chính quy năm 2024 còn bao gồm các Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Tân Tạo, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự,…

Không được chủ quan

Theo quy định, chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để xét tuyển ĐH là chứng chỉ còn thời hạn 2 năm. Do điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi quy ra điểm xét tuyển của mỗi trường là khác nhau nên thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường nào phải tìm hiểu bảng quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ ra điểm thi môn ngoại ngữ của trường đó. Bên cạnh đó, mỗi trường sẽ có yêu cầu cụ thể về điều kiện điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển.

Theo các chuyên gia, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dù có nhiều lợi thế trong xét tuyển tuy nhiên cũng không nên tuyệt đối hóa chứng chỉ này, coi đây là tấm vé thông hành duy nhất vào ĐH mà bỏ qua các phương thức xét tuyển khác, nhất là khi không trường nào xét tuyển độc lập chứng chỉ này mà luôn đi kèm với các điều kiện khác như kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp… Để không rơi vào “bẫy” ưu tiên và quy đổi điểm, thí sinh cần xem thông tin và hỏi thật kỹ điểm mình được quy đổi cụ thể ra sao trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT) nhìn nhận, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một xu hướng tuyển sinh lành mạnh, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của nhiều trường hiện nay về trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt có một số ngành có yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh như các chương trình liên kết quốc tế, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh… thì việc xét tuyển bằng chứng chỉ này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, từ những bất cập trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài trong thời gian qua đã được Bộ GDĐT chấn chỉnh, siết chặt quản lý cho thấy cần tiếp tục có những biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này diễn ra an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi thí sinh.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP