Cuộc sống

Lấy chồng giàu vẫn khổ (2): Khó có bình đẳng khi sống phụ thuộc về... tài chính

Phụ nữ muốn được bình đẳng thì trước hết cần phải tự chủ về tài chính. Nếu muốn được chồng kính nể thì hãy mạnh dạn thành đạt trong sự nghiệp...

Câu chuyện lấy chồng giàu của Hạnh, một giáo viên mầm non ở Hà Nội mà chúng tôi đã đăng tải trong bài “Chồng thu nhập trăm triệu mỗi tháng, vợ con vẫn phải nhịn ăn nhịn mặc” là một trong những điển hình cho thấy sự tự do về tài chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến vận mệnh và hạnh phúc ở mỗi người phụ nữ.

Đó chính là lý do vì sao mà hiện nay chị em phụ nữ đã tự bứt phá để có được chỗ đứng trong xã hội ở trong hầu hết mọi lĩnh vực nghề nghiệp. Họ làm như vậy một phần là do đam mê, một phần khác là do muốn khẳng định, muốn tự chủ cuộc sống và không phụ thuộc vào chồng.

GS xã hội học Lê Thị Quý có lần nói với tôi rằng: “Phụ nữ muốn được bình đẳng thì trước hết cần phải tự chủ về tài chính. Nếu muốn được chồng kính nể thì hãy mạnh dạn mà thành đạt trong sự nghiệp”.

Tương tự, chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 Hà Nội phân tích: "Phụ nữ khi phụ thuộc chồng về tài chính thì rất khó tự chủ được cuộc sống gia đình. Lúc này cuộc sống gia đình, niềm vui của con cái phụ thuộc hoàn toàn vào tâm thế của người chồng. Không chủ động về tài chính thì chị em sẽ biến mình thành người phục vụ, chồng bảo sao phải nghe vậy, chồng cho thế nào thì phải chấp nhận thế ấy".

Người chồng không bao giờ dám coi thường một người vợ tự chủ về kinh tế. Ảnh minh họa

Chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa cũng cho rằng, phụ nữ chủ động về tài chính không nhất nhất là họ phải kiếm được tiền. Trên thực tế có nhiều chị em không kiếm được tiền nhưng họ vẫn nắm giữ được tài chính của gia đình. Đó là gia đình thuộc tuýp truyền thống, người vợ là tay hòm chìa khóa, tài chính gia đình là “của chồng, công vợ”. Tuy nhiên hiện nay kiểu gia đình này không còn nhiều.

Với những gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm, người chồng thường “thủ thế” bằng cách có “quỹ đen”. Trong trường hợp người vợ không đi làm thì đa số các ông chồng sẽ nắm giữ “tay hòm chìa khóa”, lúc này người vợ hoàn toàn trở thành người phụ thuộc. Các bà vợ sướng hay khổ sẽ tùy thuộc vào tính cách của người chồng.

Nếu phụ thuộc tài chính vào một người chồng có đạo đức, sống đúng mực và có trách nhiệm thì không xảy ra vấn đề gì. Nhưng nếu gặp phải một người chồng bủn xỉn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì người vợ sẽ rất khổ, không có nỗi khổ nào bằng.

Thế nên chuyên gia Diệu Hoa khuyên chị em phụ nữ rằng, trước khi quyết định sống dựa vào tài chính của chồng thì cần phải cân nhắc thật kỹ. Không phải cứ thấy chồng kiếm được nhiều tiền là xem như mình có thể trông cậy được.

Có ý kiến cho rằng, người phụ nữ thông minh sẽ không chọn người đàn ông có nhiều tiền, họ sẽ chọn người đàn ông sẵn sàng vì mình mà tiêu tiền. Kể cả khi anh ta có 15 nghìn trong túi, vẫn chấp nhận cho bạn 10 nghìn hoặc hơn. Chứ không phải là dạng có 100 nghìn trong túi, vẫn cằn nhằn hơn bớt với bạn một vài đồng.

Từ trước đến nay, vợ chồng và vấn đề tiền bạc luôn là vấn đề tế nhị. Không chỉ “cái nghèo vào nhà, tình ra ngoài ngõ” mà đôi khi nỗi bất hạnh vẫn nhen nhúm trong những ngôi nhà điện ngọc, lầu son.

Tác giả: Ngân Khánh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP