Giáo dục

Lạm thu đầu năm và "cây đũa thần" mang tên tự nguyện

Dưới danh nghĩa quỹ Ban phụ huynh, nhiều trường học khẳng định mình không hề lạm thu nhờ "cây đũa thần" mang tên tự nguyện.

Đầu năm học mới, hàng triệu phụ huynh lại tất bật lo toan bởi hàng chục khoản chi tiêu cho việc học của con.

Từ học phí, sách vở, áo quần, đóng góp các loại quỹ…, cũng ngốn hàng chục triệu của một gia đình có vài con đang theo học trường công lập.

Trong đó, các khoản phí "tự nguyện trên tinh thần bắt buộc" cứ xoay vòng và chuyện lạm thu cứ tái diễn, âm ỉ trong các nhà trường nhưng nhiều phụ huynh không dám lên tiếng.

Theo phản ánh của một độc giả từ Ninh Bình gửi đến báo điện tử Dân trí, ngay sau khai giảng, một loạt các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường này với cha mẹ học sinh vào đầu năm học được đưa ra.

Theo đó, nhiều khoản thu đến tay phụ huynh dưới danh nghĩa tự nguyện và thỏa thuận như: Bổ sung thiết bị điện, điện sáng; Lắp điều hòa; Dụng cụ vệ sinh, giấy vệ sinh, công dọn khuôn viên các nhà vệ sinh, nước tẩy rửa…, với tổng cộng hơn một triệu đồng.

Nhiều khoản thu tự nguyện của một trường học ở Ninh Bình (Ảnh: PHCC).

Cùng với đó, danh sách các khoản xã hội hóa cũng được nhà trường này liệt kê như: Tu sửa, bổ sung trang thiết bị phòng tin và thể dục thể thao; Bổ sung thiết bị công nghệ lớp học…

Tại Hà Nội, một phụ huynh có con học mầm non tại quận Hoàng Mai cho PV Dân trí biết, theo bảng chi dự kiến đầu năm được đưa ra, nhiều khoản từ quỹ Ban phụ huynh lớp để chi quà cô trong khi các khoản dự chi cho học sinh lại rất ít.

Cụ thể, trừ các ngày lễ đặc biệt như 20/11, Tết Nguyên đán, 20/10, 8/3, trung thu, thậm chí Ban phụ huynh còn "vẽ" ra quà cô giáng sinh và lễ Halloween, tiền lì xì đầu năm và rất nhiều khoản trang hoàng khác.

"Chúng tôi đồng ý đóng góp để chăm lo đời sống của học sinh, những ngày lễ chả đâu vào đâu cũng cấu véo vào quỹ của phụ huynh thì không hợp lý. Các khoản này chỉ nên để phụ huynh tự nguyện", phụ huynh này nói.

Được biết hiện nay không có mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh, nhưng đã có quy định các mức khoản phí mà Ban phụ huynh không được thu.

Tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, đã quy định rất rõ ràng về các nội dung hoạt động của Ban phụ huynh.

Trong đó các khoản thu chi của Ban phụ huynh phải đảm bảo nguyên tác công khai, dân chủ, sau khi chi tiêu phải công khai tại các cuộc họp để toàn thể phụ huynh được rõ.

Các nhà trường cần phổ biến để phụ huynh được biết về những điều đó nhưng hầu hết đều không làm vậy khiến Ban phụ huynh "hồn nhiên" thu những khoản tiền trái quy định mà nhà trường vẫn "vô tội".

Điều đó khiến việc lạm thu trong trường học này càng diễn ra âm ỉ trong nhiều năm nhưng vì nhiều lý do khiến phụ huynh không dám nói.

Chuyện thu chi luôn gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và "nóng" trên các diễn đàn bởi nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định (Ảnh: Minh họa).

Chỉ mới đây thôi, khi phản ánh với PV Dân trí, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ, chị rất buồn khi không hiểu sao con gái mình bị bạn bè dè bỉu sau lưng vì có mẹ phản đối vài khoản thu quỹ Ban phụ huynh.

Bản thân chị cũng suýt bị "đá" ra khỏi nhóm chung của lớp vì trót phản đối vài khoản không nên đóng theo gợi ý của Ban phụ huynh.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng THCS Thái Thịnh (Hà Nội) chia sẻ, sở dĩ chuyện thu chi luôn gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và luôn "nóng" trên các diễn đàn bởi nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định, gây mất niềm tin của phụ huynh với nhà trường.

"Nếu các cơ sở giáo dục thực hiện mọi khoản thu chi theo đúng quy định, phụ huynh học sinh được quyền giám sát thì những chuyện thu chi sẽ không còn gây ồn ào nữa", thầy Cường nói.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, có 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP