Thế giới

Kỳ quái chuyện mua bán… khẩu trang, đồ lót cũ

Loại hình kinh doanh khẩu trang đã qua sử dụng, dính vết son môi hay nước bọt đã và đang nở rộ trong hai năm dịch bệnh tại Nhật Bản.

Khẩu trang dính đầy son môi, mồ hôi vẫn có giá

Đầu tháng 5/2022, báo Mainichi (Nhật Bản) tiếp cận nhiều người bán mặt hàng khẩu trang, đồ lót cũ để tìm hiểu thêm về xu hướng kỳ lạ này. Trong đó, có một nhân vật là phụ nữ độ tuổi 30, sinh sống tại Thủ đô Tokyo.

Cô vốn kinh doanh quần áo, trang sức đã qua sử dụng trên một ứng dụng bán đồ cũ nên khi tình cờ đọc được bài viết của một người bán khẩu trang cũ vào hè năm 2021, cô lập tức nảy ra ý tưởng bán thêm mặt hàng này.

Hình ảnh khẩu trang đã qua sử dụng còn dính son môi được đóng túi để bán cho khách hàng

Tới tháng 8/2021, người phụ nữ này bắt đầu bán những chiếc khẩu trang đã sử dụng. Chiếc khẩu trang đầu tiên cô bán đã được cô sử dụng cả ngày tại nơi làm việc và khi đi tập gym, có dính vết trang điểm và mồ hôi. Không rõ lý do vì sao nhưng người phụ nữ này đã nói dối khách hàng về tuổi của mình, cho biết mới ở độ tuổi 20.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi đăng bán, cô nhận được một số lời hỏi mua và cuối cùng, bán được 4 chiếc khẩu trang với giá 500 yen/chiếc (4 USD, 88 nghìn VNĐ) trong tháng đầu tiên.

Giờ cô có thêm khoản thu nhập khoảng 3.000 yên/tháng từ việc bán khẩu trang đã sử dụng.

Sau đó, người phụ nữ này bắt đầu nhận được yêu cầu về việc bán đồ lót và quần tất đã qua sử dụng. Cô cũng đáp ứng nhu cầu khách hàng, với đồ lót giá 1.500 yen và quần tất giá 400 - 500 yen. Hiện, tổng thu nhập từ việc bán khẩu trang, đồ lót đã sử dụng của cô vào khoảng 20.000 yen.

Người phụ nữ cũng nhận được một số tin nhắn từ khách hàng yêu cầu được gặp trực tiếp nhưng cô luôn từ chối và cũng không bao giờ đăng ảnh bản thân lên Twitter.

Một trường hợp khác bán khẩu trang đã qua sử dụng là một học sinh trung học cơ sở. Em bắt đầu đăng tin bán khẩu trang mà chính mình đã sử dụng lên Twitter từ tháng 2 sau khi biết bạn mình cũng đang kiếm tiền bằng cách này.

Cô gái đã bán được 15 khẩu trang với giá 1.500 yen (264 nghìn VNĐ). Nữ sinh này còn bán cả đồ lót nhưng không bao giờ gửi ảnh khỏa thân hay gặp trực tiếp khách hàng.

Cô gái trẻ chia sẻ không thực sự muốn kiếm tiền theo cách này nhưng vì chưa đủ tuổi để tìm việc làm thêm nên đành phải kiếm tiền như vậy.

Mục đích bán khẩu trang đã sử dụng của cô chỉ là để… mua truyện tranh và dự định ngừng bán khi vào trung học phổ thông.

Những ai bỏ tiền mua?

Một cô gái học trung học khác tại Thủ đô Tokyo đã “bỏ túi” được 10.000 yên (1,7 triệu VNĐ)/tháng nhờ bán vật dụng tưởng chừng vô giá trị này.

Để tránh bị tố giác, những người bán thường chọn cách giao tiếp khôn khéo, lựa chọn những người mua tiềm năng và tìm cách lách luật trên các ứng dụng mua bán đồ cũ.

Riêng cô gái 30 tuổi kể trên, cô sử dụng ứng dụng bán đồ cũ Mercari để bán khẩu trang cũ.

Một bài đăng bán khẩu trang đã qua sử dụng trên ứng dụng Twitter. Ảnh: Mainichi

Vì ứng dụng này không cho phép người dùng bán đồ vệ sinh cá nhân sau khi đã mở bao bì nên cô này đã tìm cách “lách luật” bằng việc thương lượng giá cả với khách qua mạng xã hội.

Đồng thời, chỉ đăng hình áo phông hoặc một số đồ vật khác để “ngụy trang” cho mặt hàng này khi giao dịch với khách qua Mercari.

Khi được hỏi về xu hướng bán đồ lót, khẩu trang cũ, đại diện Mercari cho biết sau khi ghi nhận trường hợp vi phạm quy định, hãng thường sẽ gửi cảnh cáo cho người dùng, yêu cầu họ xác nhận danh tính và xóa bỏ mặt hàng.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao bất chấp nguy cơ khẩu trang có dính son môi, mồ hôi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19, vấn đề vệ sinh và nhiều yếu tố về sức khỏe khác, một số người lại chấp nhận bỏ tiền ra mua những món đồ này?

Anh Yusuke, 43 tuổi là một người mua tới gần 100 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng như vậy rất thẳng thắn chia sẻ danh tính của mình lên báo chí và cho biết: Lý do mua mặt hàng đặc biệt này là bởi anh rất thích mùi hương từ những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng, vẻ bề ngoài, cảm giác son phấn vẫn còn vương trên khẩu trang.

Không riêng Yusuke, một số người đàn ông khác cũng không ngại chia sẻ thẳng thắn với truyền thông về sở thích thu thập hình ảnh các cô gái đeo khẩu trang; từng âm thầm mua nhiều loại khẩu trang đã qua sử dụng của nhiều cô gái khác nhau.

Có vi phạm pháp luật?

Giới chức nhiều tỉnh, thành Nhật Bản lo ngại, từ hành vi mua bán những món đồ cá nhân này có thể dẫn đến nguy cơ phụ nữ trẻ bị tấn công tình dục nên từ lâu đã cấm học sinh, sinh viên nữ bán những món đồ cá nhân như đồ lót. Song, đến nay, chưa có quy định quản lý về khẩu trang.

Báo Mainichi (Nhật Bản) dẫn một nguồn thạo tin từ cơ quan điều tra Nhật Bản cho biết, lực lượng chức năng rất khó xử phạt liên quan tới việc mua bán khẩu trang đã qua sử dụng.

Cựu luật sư, cảnh sát Yasuo Sawai cho rằng, trong trường hợp bán khẩu trang đã qua sử dụng có dính nước bọt, điều này có thể coi như mua bán nước bọt và có thể vi phạm pháp luật.

Ông Sawai cũng cảnh báo hành vi bán khẩu trang đã sử dụng có thể dần dà tiến triển thành bán hình ảnh khỏa thân hoặc tiềm ẩn nguy cơ người bán bị tấn công tình dục.

Ông Sawai cũng cho rằng, các ứng dụng mua bán đồ cũ và mạng xã hội cần cảnh báo người dùng về nguy cơ tiềm ẩn từ việc bán khẩu trang đã sử dụng và thiết lập cơ chế để ngăn chặn hành vi này.

Theo khảo sát của trang Abema Prime, hầu hết những người bán khẩu trang đều là sinh viên đại học hoặc nhân viên văn phòng, độ tuổi trung bình từ 18 - 25 tuổi.

Giá trung bình của một chiếc khẩu trang đã qua sử dụng là khoảng 1.000 yen (tương đương 174 nghìn VNĐ), bằng lương theo giờ của sinh viên đại học làm thêm và tương đương giá tiền mua cả 1 hộp khẩu trang mới.

Tác giả: Trang Trần - Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP