Xã hội

Kỳ II: Chính quyền xã “cướp đất” của người dân?

Tiếp tục đi sâu tìm hiểu thông tin về việc người dân tố lãnh đạo xã “bao che” trong vụ tranh chấp đất nông nghiệp, chúng tôi phát hiện ra nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất tại địa phương xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Không chỉ bao che, lãnh đạo xã này còn “phù phép” biến đất người dân khai hoang thành đất thuộc quản lý của xã.

>>Kỳ II: Chính quyền xã “cướp đất” của người dân?
anh 4
4,7ha đất nhà ông Lương Xuân Tuyên khai hoang từ trước năm 1987, hiện nay chính quyền xã đang “tịch thu”. Ảnh: Khánh Ý

Thỏa thuận mượn đất để lấy đất của dân?

Gần đây, người dân trú tại bản Bông 2, xã Châu Thuận vô cùng bức xúc về việc cán bộ xã “lợi dụng” thỏa thuận mượn đất để chuyển đổi phát triển kinh tế (thời hạn là từ 2006 - 2011). Tuy nhiên, sau khi mượn được đất của dân, xã đã không trả lại cho dân theo thỏa thuận hợp đồng như ban đầu. Điều đáng nói, lãnh đạo xã này còn “phù phép” biến đất người dân khai hoang thành đất thuộc quản lý của xã.

Đơn của người dân có ghi rõ: Từ trước năm 1992, một số hộ gia đình trú tại bản Bông 2 có khai hoang được 16ha đất và trồng rừng liên tục (trồng cây sở và một số cây lương thực khác). Đến năm 2006, cán bộ UBND xã đến trao đổi với người dân cho xã mượn diện tích đất đó để chuyển đổi phát triển kinh tế. Thời hạn mượn của dân từ 5 đến 7 năm (tức là UBND xã sẽ trả lại đất cho người dân vào năm 2011 đến 2013). Tuy nhiên, sau khi lấy đất của người dân thì UBND xã lại làm hợp đồng cho những người khác thuê trồng mía và đến nay đã hết thời hạn và vượt quá hơn 5 năm, nhưng UBND xã không trả lại số diện tích đó cho dân. Qua nhiều cuộc họp, Ban Quản lý bản Bông 2 đã hỏi và yêu cầu UBND xã trả lại đất cho dân. Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND xã Cầm Bá Kinh cứ trả lời vòng vo kéo dài thời hạn mượn đất cho đến nay...
2anh 3 1
Đơn trình bày của người dân bản Bông 2. Ảnh: Khánh Ý


Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hoàn, Trưởng bản Bông 2 khẳng định: “Trong bản Bông 2 có 6 hộ dân có liên quan đến chỗ thỏa thuận cho UBND xã mượn đất, với tổng diện tích 16ha. Vào năm 2006 thì bên UBND xã đến thỏa thuận mượn đất của người dân. Vì tin tưởng chính quyền xã, nên hầu hết các hộ dân đều không có giấy thỏa thuận mượn đất hợp pháp. Tuy nhiên, trong số 6 hộ dân đó thì có một hộ dân đã làm làm giấy thỏa thuận mượn đất có xác nhận hợp pháp của UBND xã. Sự việc chính quyền xã không trả lại diện tích đất cho người dân trong bản Bông 2, khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu UBND xã trả lại đất, thế nhưng, cho đến nay đã hơn 5 năm trôi qua người dân chúng tôi vẫn chưa được trả lại đất để sản xuất, khi người dân hỏi thì Chủ tịch xã trả lời vòng vo và không đúng với nội dung”.

Còn ông Lương Xuân Tuyên, trú tại bản Bông 2, là hộ dân duy nhất có giấy thỏa thuận mượn đất và có xác nhận của UBND xã, bức xúc nói: “Gia đình tôi có một mảnh đất mà cha ông tôi khai hoang để lại với tổng diện tích là 4,7ha, đến năm 1987 UBND xã giao đất cho tôi trồng rừng lâu dài. Gia đình tôi đã trồng cây quế (Chương trình Dự án 327), đến năm 2003 thì tôi lại trồng cây sở (Chương trình Dự án 661). Đến 12/2004, gia đình tôi thu hoạch cây trồng có biên bản nghiệm thu của huyện Quỳ Châu. Tiếp đến 2006, cán bộ xã xuống thỏa thuận mượn đất với gia đình tôi, là ông Cầm Bá Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã đưa ông Hồ Văn Thắng, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu và có xác nhận của UBND xã. Thời hạn UBND xã mượn đất của tôi là 5 năm. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau đó, ông Thắng lại chuyển đất lại cho ông Hoàng Xuân Lam. Ngay sau khi hết hợp đồng mượn đất, tôi đã yêu cầu ông Lam và UBND xã trả lại đất cho tôi, nhưng lãnh đạo xã không trả lời. Vì quá bức xúc nên tôi đã lên UBND xã hỏi nhiều lần, nhưng lãnh đạo xã lại nói rằng đây là đất của xã nên xã muốn cho ai thuê là việc của chính quyền xã”.

Theo tìm hiểu, bản Bông 2 có 71 hộ dân và hơn hơn 98% đều là người dân tộc Thái với cuộc sống còn rất khó khăn... Việc cán bộ địa phương thu hồi đất sản xuất của người dân đang khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Cán bộ xã đe dọa PV trong quá trình tác nghiệp?

Chiều ngày 28/3, PV của một số cơ quan báo chí đến UBND xã đặt lịch làm việc. Tại trụ sở UBND xã Châu Thuận, sau khi các PV xuất trình giấy giới thiệu, cán bộ Văn phòng xã cho rằng: Giấy giới thiệu một số cơ quan báo không hợp lệ và không đủ “tư cách” làm việc với lãnh đạo UBND xã.

Sao đó, ông Cầm Bá Tâm, Trưởng Công an xã một lần nữa yêu cầu các PV xuất trình giấy tờ kiểm tra lại, vì cho rằng giấy giới thiệu có vấn đề.

3anh 5 1
Hình ảnh Công an xã đưa PV ra khỏi địa bàn xã sau khi đe dọa đòi đánh PV. Ảnh: Khánh Ý


Ngay sau khi kiểm tra xong, một cán bộ Văn phòng UBND xã tên là Lữ Minh Tuấn đã có hành động và lời nói đe dọa đánh đập PV (nói bằng tiếng địa phương dân tộc Thái). Trước sự việc trên, nhóm PV đã gọi điện cho Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quỳ Châu để nhờ can thiệp. Mặc dù may mắn “thoát” ra khỏi địa bàn xã Châu Thuận trong “an toàn” nhờ sự giúp đỡ của Công an huyện Quỳ Châu nhưng ông Tuấn và ông Tâm vẫn gửi theo lời đe dọa: “Các anh sẽ không ra khỏi đất Châu Thuận an toàn đâu”...

Thiết nghĩ, trước sự việc trên, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ đồng thời trả lại đất cho dân cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, coi thường pháp luật của một số cán bộ xã Châu Thuận.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tác giả: Khánh Ý

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP