|
Vì sao nâng tuổi “hưu” của tàu bay?
Theo nguồn tin của PV báo Người Đưa Tin, vào ngày 15/8/2018, bộ GTVT có tờ trình số 9055/TTr-BGTVT gửi tới Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016, của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013, của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Đáng chú ý tại dự thảo này, bộ GTVT đã đề xuất “nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm”. Đồng thời, với các máy bay chở hàng sẽ nâng độ tuổi tàu bay từ 25 năm lên 30 năm.
Lý giải về việc nâng tuổi tàu bay, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, thống kê của Boeing cho thấy độ tuổi trung bình của tàu bay vận chuyển hành khách là 28 năm với tày bay thân hẹp và 25 năm với tàu bay thân rộng; với tàu bay vận chuyển hàng hoá là 38 năm và 31 năm.
Trong những năm qua, các hãng Hàng không Việt Nam gặp khó trong việc phát triển đội tàu bay chở hàng vì không đáp ứng được theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP. Do đó, chưa xây dựng được đội tàu bay chở hàng theo định hướng phát triển đội tàu bay được Thủ tướng phê duyệt...
Nếu được nâng độ tuổi tàu bay chở khách lên 25 năm, cũng tạo thuận lợi rất lớn cho các hãng hàng không. Đặc biệt, là việc đi thuê tàu bay ngắn ngày trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Ngoài ra, các hãng cũng chủ động và có vị thế trong việc đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay, qua đó, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc nâng độ tuổi tàu bay kinh doanh hàng không chung sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm, khai thác tàu bay...
Nếu như bộ GTVT chỉ đề xuất nâng tuổi tàu bay thì chẳng có gì phải đáng bàn, thế nhưng điều khiến dư luận hoài nghi chính là chỉ sau 20 ngày kể từ khi bộ GTVT có đề xuất, FLC đã lập tức có văn bản số 64, ngày 5/9/2018 gửi tới cục Hàng không Việt Nam đề nghị cấp số đăng ký cho 1 tàu bay A319 số xuất xưởng 2568 (Theo Planespotter - trang thông tin máy bay), chiếc Airbus A319 có xuất xưởng (MSN) 2568 hiện đang được khai thác bởi hãng Hàng không SilkAir (Singapore). Chiếc Airbus này có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 10/2005. Như vậy, tính đến nay, chiếc tàu bay này đã khoảng 13 tuổi.
Cùng với đó là 2 tàu bay A320 số xuất xưởng 2934, 3010 (hai chiếc A320 với số xuất xưởng 2934 và 3010 đều đang được khai thác bởi hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ). Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 3010) có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 1/2007. Chiếc tàu bay này có tuổi đời là 11,7 năm. Chiếc còn lại Airbus A320 (số xuất xưởng 2934) có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 10/2006. Như vậy, chiếc này đã khai thác được 11,9 năm.
Vẽ đường cho… doanh nghiệp chạy?
Những vấn đề trên khiến các chuyên gia và dư luận đặt ra, tại sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến như vậy? Việc nâng tuổi tàu bay có phải bộ GTVT đang ngầm hợp thức hoá, “bật đèn xanh” cho FLC thuê máy bay “cao tuổi”?.
|
Một chuyên gia hàng không cho rằng, chỉ sau 20 ngày từ thời điểm bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và 30/2013/NĐ-CP, trong đó, có đề xuất nâng tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và nâng độ tuổi của tàu bay hành khách, Bamboo Airways cũng có đề nghị cấp số đăng ký cho 3 tàu bay “cao tuổi”. Đây chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên hay đã được “sắp xếp” từ trước?
Liệu đây có phải là phương thức để bộ GTVT hợp thức hoá tàu bay cho Bamboo Airways hay không, thiết nghĩ bộ GTVT cần phải làm rõ những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm như việc nâng tuổi tàu bay có đảm bảo chất lượng, an toàn trên mỗi chuyến bay không? Tại sao bộ GTVT lại chọn thời điểm FLC thành lập hãng Hàng không Bamboo Airways để đề xuất nâng độ tuổi “hưu” cho máy bay?
Khoản 2, Điều 6, Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định: Tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam được như sau: Đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; Không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Tại buổi họp báo của bộ GTVT, trả lời câu hỏi này của PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng vụ Vận tải cho biết: “Việc sửa đổi Nghị định 92 và Nghị định 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không, có đề nghị Chính phủ các giải pháp về tỉ lệ nắm giữ vốn trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không và nâng tuổi tàu bay”.
“Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi có họp bàn và có doanh nghiệp đề xuất là tuổi tàu bay chúng ta quy định chặt chẽ quá, nhất là tuổi tàu bay nhập khẩu về nước. Từ đó dẫn tới các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thị trường vận tải hàng không vận chuyển khách và hàng hoá nhưng không thuê được tàu bay nước ngoài nên họ đề xuất nâng tuổi tàu bay.
Quá trình nghiên cứu về đề xuất này, chúng tôi có đề nghị cục Hàng không và các chuyên gia đánh giá việc nâng tuổi tàu bay có phù hợp không? Khi chúng tôi so sánh các quy định tại Nghị định 92 so với tuổi bình quân của tàu bay ở các nước trong khu vực và trên thế giới thì nhận thấy đúng là chúng ta có thể nới được”, ông Ngọc lý giải tiếp.
Cũng theo ông Ngọc, căn cứ vào thống kê của cục Hàng không cũng như các chuyên gia, việc nới rộng thêm tuổi tàu bay vẫn đảm bảo an toàn. Tuổi tàu bay có phần ảnh hưởng đến an toàn hàng không nhưng chưa phải là yếu tố quyết định hoàn toàn, bởi vì an toàn hàng không căn cứ vào các quy định quốc tế. Tuổi tàu bay chỉ là một phần thôi, trên cơ sở tính toán khá kỹ lưỡng, bảo dưỡng tàu bay mới là vấn đề quan trọng. Chính vì thế, Nghị định 92 mới có quy định nâng tuổi tàu bay lên...
Đề cập tới những vấn đề liên quan tới việc FLC thành lập hãng hàng không Bamboo Airways, ông Ngọc cho hay: “Bamboo Airways chưa phải đơn vị kinh doanh vận tải hàng không nên họ không có đề xuất gì về việc nâng tuổi tàu bay. Những đề xuất trên hoàn toàn là do những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không đang hiện hữu đề xuất”.
Theo ông Ngọc, quy trình cấp phép hàng không của chúng ta rất chặt chẽ. Đầu tiên, đơn vị xin giấy phép phải báo cáo sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND tỉnh, từ đó đề xuất đề án tới bộ KH&ĐT sau đó mới gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Bamboo Airways đã thực hiện xong các bước này và được Thủ tướng chấp thuận việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways, đồng thời giao cho bộ GTVT thẩm định đề án theo Nghị định 92 và đang báo cáo Thủ tướng.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin...
Tác giả: Thế Anh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin