Xe

Kinh nghiệm, kỹ năng "nằm lòng" của lái xe tránh tai nạn

Nếu như ở thành phố, mật độ phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao, thì hầu hết những cung đường tại các vùng nông thôn lại khá vắng vẻ.

Lái xe an toàn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng - Ảnh minh hoạ.

TNGT có thể xảy ra với bất cứ lúc nào và không ngoài trừ với bất kể một ai. Để phòng tránh rủi ro mỗi khi lái xe trên đường, ngoài việc chạy đúng tốc độ, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ,… người điều khiển xe nên trang bị những kỹ năng lái xe an toàn.

Nếu như điều khiển xe ở thành phố, mật độ phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức độ rất cao, thì hầu hết những cung đường tại các vùng nông thôn lại khá vắng vẻ. Đó là lý do khiến nhiều tài xế tỏ thái độ chủ quan mà đạp “mướt chân ga”, trong khi những đường nhánh khuất tầm nhìn và thói quen giao thông “tự nhiên” của người dân bản địa, có thể gây nên những vụ va chạm không mong muốn.

Vì thế, nên giữ thái độ thận trọng, tập trung quan sát và điều tiết chân ga hợp lý để phòng ngừa phương tiện khác bất ngờ lao ra từ đường nhánh. Luôn đề cao cảnh giác với tình huống trẻ em chạy ra đường để “xem ô tô”, đặc biệt ở những khu vực hẻo lánh có ít xe cơ giới hoạt động.

Những kinh nghiệm lái xe an toàn cần ghi nhớ

Trước mỗi chuyến đi hãy luôn kiểm tra tình trạng của lốp và đảm bảo lốp xe được bơm căng đến mức áp suất chuẩn. Trên hành trình di chuyển, nên tránh các vũng nước bởi chúng có thể đang ngụy trang cho hố sâu.

Nếu xe bắt đầu trượt nước, xảy ra khi có một lớp nước giữa bánh xe và mặt đường, dẫn đến mất lái, đừng đạp phanh ngay và không đánh lái. Hãy thả chân ga để giảm tốc cho đến khi cảm thấy bánh xe bám trở lại vào mặt đường.

Một trong những kinh nghiệm lái xe an toàn quan trọng nhất cần ghi nhớ là nếu điều khiển xe trong điều kiện thời tiết xấu như mưa lớn hay sương mù,… hãy bật đèn sương mù hoặc đèn chiếu gần, giảm tốc trước khi xe tiến vào một đám sương mù hay nhớ đèn chức năng sưởi ấm kính và gạt nước… Đồng thời, tăng khoảng cách an toàn trong điều kiện thời tiết xấu.

Lau khô chân và giày trước khi vào xe bởi chân giày ướt có thể dễ bị trượt khỏi các bàn đạp. Với các chị em, không nên sử sụng giày cao gót khi lái xe, hãy trang bị cho mình một đôi giày bệt hoặc gót thấp để sử dụng khi ngồi sau vô lăng.

Những chiếc xe phải đặc biệt đề phòng khi đi trên đường

Nếu nhìn thấy một chiếc xe di chuyển cùng chiều mà tầm nhìn của tài xế bị hạn chế như xe tải chất đầy hàng hóa, thiếu gương chiếu hậu, hoặc xe có chiều dài lớn đang trong vào cua, thì hãy nhường đường và chỉ xin vượt khi chắc chắn có đủ không gian an toàn.

Những chiếc xe có biểu hiện chạy không “ngay thẳng” trên đường có thể do xe đang bị lỗi về tay lái hoặc giảm xóc, cũng có thể tài xế đang say rượu hoặc buồn ngủ,… Đây cũng là trường hợp mà người điều khiển xe phải phòng bị trước khi có tín hiệu xin vượt.

Xe bẩn, han gỉ, thiếu các bộ phận hoặc xả khói mù mịt do động cơ có thể đang ở tình trạng hoạt động kém, rất dễ có nguy cơ bị dừng lại đột ngột do hỏng hóc bất thường. Nếu điều khiển xe phía sau, hãy giữ khoảng cách thật an toàn và đề phòng tình huống khẩn cấp.

Xe tải chở hàng hóa được đóng gói hoặc xếp cẩu thả, hoặc xe con chở hàng cồng kềnh trên nóc. Hàng hóa có thể bất ngờ rơi trên đường, gây tai nạn. Xe gắn tấm dán ở trên cửa, những đống hành lý, và nhiều hành khách khiến tầm nhìn của lái xe có thể bị hạn chế.

Xe chở trẻ em hoặc vật nuôi tinh nghịch, lái xe có thể không thể tập trung vào đường đi, dẫn đến những tình huống mất lái bất ngờ.

Khi nào đủ an toàn để vượt?

Khi di chuyển trên đường chỉ có một làn xe và đang đi sau một chiếc xe khác với tốc độ nhanh hơn, hãy tự hỏi có nên vượt hay không? Nếu không, hãy giữ một khoảng cách phía trước đủ xa để cho phép một xe khác vượt lên. Điều này có nghĩa là hãy để những chiếc xe khác có thể vượt bạn, luồn vào khoảng trống trước mặt bạn một cách an toàn, và đợi một cơ hội khác để vượt chiếc xe tiếp theo.

Những chiếc xe chạy quá gần nhau tạo nên một hàng dài nối liền sẽ gây khó khăn cho việc vượt của các xe khác và tăng nguy cơ tai nạn. Thậm chí, nếu không có xe chạy phía sau, nên giữ một khoảng cách lớn với xe trước để tăng khả năng quan sát và độ an toàn.

Những thời điểm cần cẩn thận hơn khi lái xe

Khi trời nhá nhem tối, những khung giờ cao điểm giao thông vào buổi sáng và chiều tối, giờ “đóng cửa” của các quán bar và hộp đêm vốn có nhiều người lái xe sau khi dùng đồ uống có cồn, hay vào những ngày lễ có nhiều lái xe “thích” ngắm cảnh hơn là tập trung lái xe,… là những thời điểm lái xe cần có sự tập trung nhiều hơn.

Nên bình tĩnh và thư giãn vào buổi tối bởi những tài xế trẻ tuổi thường có nguy cơ bị va chạm cao vào ban đêm. Không uống rượu bia khi lái xe và không cho những người uống rượu hay có thể vừa uống thuốc đi nhờ xe. Hãy nhớ rằng những viên thuốc không có chỉ định của bác sỹ cũng có thể gây buồn ngủ.

Thêm một kinh nghiệm lái xe an toàn nữa là chỉ nên sử dụng điện thoại di động khi nó an toàn cho việc lái xe như đeo tai nghe hay sử dụng bluetooth. Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng khi đang lái xe.

Nhạc bật to, ăn uống và hút thuốc cũng có thể làm phân tâm khi đang lái xe. Luôn luôn thắt dây an toàn và yêu cầu những người khác trong xe cùng sử dụng thiết bị an toàn này.

Chuẩn bị cho những hành trình dài

Với những chuyến đi dài, điều lo lắng nhất là trường hợp lái xe mỏi mệt, khi đó, việc bật nhạc hay mở cửa sổ sẽ chẳng giúp ích được gì. Tốt nhất, hãy tìm một vị trí đỗ xe thuận lợi để nghỉ ngơi như những khu vực nhiều người qua lại (để đảm bảo an ninh), nơi có bóng râm thoáng mát… Hãy nhớ, các cây xăng ven đường quốc lộ hay tỉnh lộ luôn sẵn lòng để bạn đỗ nhờ xe, những nơi này luôn có nhà vệ sinh, nước sạch để bạn sử dụng, nhưng đừng quên trả phí cho những người chủ ở đây.

Nếu muốn tỉnh táo, hãy nghĩ tới những lon nước tăng lực. Ngoài ra, hãy nhớ rằng uống những loại thuốc không theo chỉ định của bác sỹ như thuốc dị ứng hay thuốc giãn cơ cũng có thể gây buồn ngủ.

Luôn luôn giữ khoảng cách bằng độ dài 3 chiếc ô tô so với xe phía trước và tăng lên theo tốc độ và tầm quan sát bị hạn chế do thời tiết hay góc cua. Hãy luôn quan sát kính chiếu hậu, một cái liếc nhanh đôi khi là tất cả những gì cần làm để tránh được tai nạn.

Những lưu lý khi chuẩn bị bước vào một hành trình

Đóng gói hành lý cẩn thận bởi việc đánh mất hành lý có thể khiến bạn bối rối và nếu tài xế cần phanh gấp, những hành lý không được đóng gói cẩn thận có thể “bay” ra phía trước, gây chấn thương cho người ngồi trên xe.

Xếp hành lý nặng vào trong khoang hành lý, không chất quá nhiều hành lý và hành khách lên xe để tránh bị hạn chế tầm nhìn. Người điều khiển phải phải đảm bảo luôn luôn nhìn rõ đường cả phía trước lẫn đằng sau.

Ghế lái nên được điều chỉnh ở vị trí thẳng và an toàn. Hãy chỉnh điều hòa ở chế độ mát không quá lạnh. Lưu tâm đến đồng hồ xăng để đảm bảo sẽ không hết nhiên liệu giữa đường. Hết nhiên liệu khi đang chạy trên đường sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm và tốn kém để gọi trợ giúp.

Kiểm tra áp suất lốp trước khi khởi hành và bánh xe cần phải có áp suất lớn hơn khi xe chở đầy và nặng.

Việc lái xe trên những con đường lạ có thể khiến bạn mất tự tin. Các hệ thống dẫn đường vệ tinh có thể giúp và cho phép lái xe chọn đường đi nhanh và dễ dàng, nhưng chi phí có thể hơi đắt đỏ. Tốt hơn hết là hãy lên kế hoạch kỹ lưỡng cho chuyến đi trước khi lên đường, sử dụng bản đồ hoặc một công cụ tìm đường đi trực tuyến.

  Từ khóa: kinh nghiệm lái xe ,lái xe

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP