Gặp chủ tịch “dỏm” mất ngay tiền tỷ
Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp thì nhu cầu mua khẩu trang của người dân lại càng tăng mạnh. Chính vì vậy, nhiều gian thương đã lợi dụng tình hình để “giật” tiền cọc của người dân và doanh nghiệp.
Khẩu trang luôn là mặt hàng "hot" trong mùa dịch. Chính vì điều này mà nhiều kẻ gian đã lợi dụng tình hình để chuộc lợi. |
Ông H.V.T, đại diện một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh) cho biết, qua giới thiệu của người quen thì ông có biết ông Thường (ngụ phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ông Thường giới thiệu mình là “chủ tịch” của nhiều thương hiệu khẩu trang như Maque, Nhân An, Hưng Phát…
“Tôi đã từng làm ăn với ông Thường vài lần nên cảm thấy tin tưởng. Ngày 27/7, tôi đến quận Tây Hồ, TP Hà Nội để làm hợp đồng mua bán khẩu trang với ông Thường”, ông T kể.
“Ông Thường đưa cho tôi một hợp đồng mua bán khẩu trang đã được ký và đóng dấu sẵn. Bên bán là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại và XNK Hưng Phát và một biên bản thỏa thuận về việc hỗ trợ ký, thực hiện hợp đồng mua bán khẩu trang y tế số 305/2020/HĐTT với ông Vượng - nhân viên công ty Hưng Phát chuyên phụ trách mảng phân phối khẩu trang”, ông T. nói.
Theo ông T., hai bên đã ký hợp đồng mua bán khẩu trang 4 lớp với giá 2 triệu đồng/thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc. Sau khi ký hợp đồng, ông Thường liên tục gọi điện giục ông T. chuyển tiền. Vì tin tưởng nên ông T. đã chuyển tiền đặt cọc mua khẩu trang là 8,1 tỷ đồng.
Cụ thể, ông T. đã chuyển 3,6 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Hưng Phát, 2,4 tỷ đồng cho ông Thường và 2,1 tỷ đồng cho ông Vượng.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc thì công ty ông T. vẫn không nhận được thùng khẩu trang nào theo hợp đồng đã ký. Ông T. đã đến Công ty Hưng Phát làm việc với ông Nguyễn Thế Hưng – Tổng giám đốc công ty này. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, không có lịch giao hàng nào cho công ty ông T. và cũng không biết ông T. là ai.
Ông T. đã liên tục gọi điện cho ông Thường để yêu cầu làm rõ sự việc nhưng ông Thường đã trốn tránh, không gặp. Ông T. đã làm đơn tố giác tội phạm lên Công an quận Tây Hồ và Viện Kiểm sát Nhân dân quận Tây Hồ (TP Hà Nội).
“Bây giờ, tôi cũng kiệt quệ tài chính do không có khẩu trang giao cho khách nên phải đền hợp đồng. Tôi cũng áp lực vô cùng, đây là bài học xương máu và quá đắt đối với tôi”, ông T. ngậm ngùi.
Hàng loạt người dân “sập bẫy” khẩu trang giá rẻ
Vụ việc của ông T. kể trên không phải là lần đầu tiên mà người dân hay doanh nghiệp gặp phải trong đại dịch Covid-19. Nhiều người dân ở các tỉnh phía Nam cũng đã bị kẻ gian “giật” tiền cọc khi đặt khẩu trang trên mạng.
Chị Thanh Thảo (ngụ Bình Dương) cho biết, vào tháng 2/2020, chị tham gia vào nhiều nhóm trên Facebook để mua khẩu trang phát cho công nhân. Sau khi tìm kiếm, chị thấy tài khoản tên Đỗ Xuân đăng tin bán khẩu trang với giá 7,5 triệu đồng/thùng 50 hộp.
“Họ nhắn tôi nếu muốn mua 1 thùng thì phải đặt cọc trước 3 triệu đồng. Nếu mua 2 thùng thì đặt cọc 5 – 6 triệu đồng. Tôi quyết định mua 2 thùng và đặt cọc 5 triệu đồng”, chị Thảo nói.
Theo chị Thảo, tài khoản Đỗ Xuân nhắn tin gửi cả ảnh chụp hai mặt chứng minh nhân dân mang tên Đỗ Văn Xuân nên khiến chị tin tưởng và không cảnh giác. Chị đã chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản tên Do Van Xuan mở tại Ngân hàng ACB Chi nhánh Hà Thành (Hà Nội).
Sau khi chuyển tiền thành công, tài khoản Đỗ Xuân cũng đã chặn tin nhắn của chị Thảo trên mạng xã hội, gọi điện thoại thì không nghe máy. Chị Thảo biết mình đã bị lừa.
Nhiều tài khoản trên mạng xã hội được lập ra để đi "giật" tiền cọc của người dân. |
Cũng như chị Thảo, vào tháng 2/2020, chị Thùy Trang cũng lên mạng tìm mua khẩu trang để làm từ thiện. Sau thời gian tìm kiếm, chị thấy tài khoản Facebook tên Nguyễn Hải Phương bán giá 7,5 triệu đồng/thùng 50 hộp. Trong khi đó, nhiều tài khoản khác đang bán với giá từ 17 – 20 triệu đồng/thùng 50 hộp.
“Tôi quyết định mua 10 thùng với giá 75 triệu đồng. Họ yêu cầu tôi đặt cọc 10%, tức 7,5 triệu đồng rồi sẽ làm phiếu xuất kho và chở hàng cho tôi. Đáng lẽ tôi cũng không bị lừa, nhưng họ chụp chứng minh nhân dân chủ tài khoản và phiếu xuất kho nên tôi nghĩ không phải lừa đảo”, chị Trang nói.
Sau khi chị Trang chuyển 7,5 triệu đồng, kẻ gian cũng đã “cao chạy xa bay”.
Không chỉ có chị Trang, chị Thảo mà nhiều người khác cũng bị các đối tượng lừa đảo “giật tiền cọc” từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng.
Khẩu trang y tế tại TPHCM đang được chào bán với giá gấp 2 lần ngày thường. |
Theo ghi nhận của Dân trí, hiện nay, tại TPHCM, khẩu trang y tế đang được chào bán với giá từ 140.000 – 180.000 đồng/hộp. Mỗi thùng 50 hộp có giá 6,5 triệu đồng/thùng. Người dân rất khó để tiếp cận với khẩu trang y tế ở mức giá thông thường từ 68.000 – 100.000 đồng/hộp.
Bắt nhiều đối tượng lừa đảo
Cuối tháng 7/2020, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Kim Thanh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, cuối tháng 1/2020, Thanh đang sinh sống tại Malaysia, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, Thanh đã lập hàng loạt tài khoản mạng xã hội giả nhằm thực hiện hành vi lừa đảo bán khẩu trang giá rẻ. Sau khi các bị hại chuyển tiền đặt cọc mua khẩu trang thì Thanh dùng số tiền này để mua vàng.
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Thanh xóa toàn bộ các tài khoản mạng xã hội nhằm chặn liên lạc với bị hại và tiếp tục lập các tài khoản mới để thực hiện hành vi lừa đảo.
Với thủ đoạn trên, trong tháng 2/2020, Thanh đã thực hiện 3 vụ lừa đảo với tổng số tiền lên đến 380 triệu đồng. Trong đó, lừa đảo 273 triệu đồng tiền cọc mua 860 thùng khẩu trang (43.000 hộp) của anh N.T. T (ở Ba Vì, Hà Nội).
Công an quận Hoàn Kiếm đã xác định Nguyễn Kim Thanh trở về Việt Nam vào ngày 10/3 và trốn tại Bà Rịa Vũng Tàu. Sau thời gian truy tìm, cảnh sát đã bắt giữ được Thanh và di lý ra Hà Nội điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, vào tháng 4/2020, Công an quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Dương Huỳnh Lộc (21 tuổi, ngụ phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi bị bắt, Lộc cũng đang chấp hành án treo 6 tháng với tội danh trên.
Theo đó, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, Lộc đăng lên mạng bán khẩu trang nhưng không có hàng để giao và chủ yếu lừa lấy tiền cọc của nhiều người mua với số tiền tổng cộng là gần 2 tỷ đồng. Trong đó, một phụ nữ gốc Việt sống tại Hàn Quốc bị lừa hơn 300 triệu đồng tiền đặt cọc khẩu trang. Tất cả số tiền lừa đảo được Lộc đem đi đánh bạc và thua sạch.
Tác giả: Đại Việt
Nguồn tin: Báo Dân trí