Xe

Khách Việt hoang mang vì giá ôtô biến động thất thường

Giá tăng, giảm vài chục đến cả trăm triệu trong thời gian vài tuần khiến nhiều người không biết khi nào nên mua.

"Nói không tiếc là nói dối. Kinh doanh nhặt từng đồng một, gần 200 triệu chứ không phải ít", Quốc Huy, 35 tuổi (Hà Nội) kinh doanh trong ngành thực phẩm tỏ ra tiếc nuối khi mới lấy chiếc CR-V theo giá 1,256 tỷ thì có thông tin giá mới giảm còn 1,068 tỷ.

Theo dõi diễn biến xe nhập khẩu từ đầu 2018 với ý định mua một mẫu xe đa dụng tầm một tỷ đồng, Huy 'chấm' CR-V dù vẫn chịu thuế nhập khẩu 30% của 2017 và thông tin về thời điểm lô hàng tiếp theo về nước vẫn chưa rõ ràng. Sau những ngày nghỉ Tết, Huy đưa xe về nhà hôm 24/2. Ba ngày sau, anh biết thông tin xe nhập Thái Lan rộng cửa về Việt Nam. Đến ngày 5/3, hãng xe Nhật công bố giá mới cho CR-V với mức giảm cao nhất 188 triệu. Huy nói rằng cứ ngỡ mình mất số tiền gần bằng một chiếc xe van trong chưa đầy hai tuần.

Việc giá xe biến động bất ngờ không lạ ở thị trường ôtô Việt Nam, khởi nguồn bởi Trường Hải từ giai đoạn 2015-2016, đến 2017 sôi động nhất khi hàng loạt hãng còn lại tham gia. Đầu 2017, Hồng Sơn (40 tuổi, Hà Nội) mua chiếc X-Trail và chỉ một tuần sau Nissan thông báo giảm giá 100 triệu. Anh như "chết đứng" khi đọc báo buổi sáng, khi chưa ra khỏi nhà với chiếc X-trail mới cóng cạnh.

CX-5, mẫu xe đi đầu trào lưu giảm giá bất ngờ, khó đoán.

Ngược với Quốc Huy hay Hồng Sơn, hàng loạt khách hàng của Trường Hải trong 2017 trở nên thờ ơ với sự thay đổi giá xe, vì biết rằng Mazda hay Kia sẽ giảm giá hàng tháng. "Nếu không thể biết trước điều gì, thôi thì có xe lúc nào tốt lúc ấy", Nam Khánh lấy chiếc Mazda3 tâm sự.

Những tưởng giảm giá sẽ trở thành xu hướng mặc định cho thị trường xe thì bất ngờ cuối 2017, đầu 2018 những lô xe nhập khẩu và lắp ráp đều đồng loạt tăng giá. Xe lắp ráp như CX-5 tăng giá vì lý do "trong 2017 đã giảm tới không có lãi", CR-V 7 chỗ tăng giá so với bản 5 chỗ trước đó vì nhập lô đầu tiên chịu thuế 30%, Fortuner khan hàng nên thực tế giao dịch tại đại lý cũng tăng, có khi tới 200 triệu.

Trước đó khách hàng chần chừ chờ sang 2018, nhưng khi có thông tin xe nhập khó về, xe lắp có thể tăng giá do chiếm ưu thế cung cấp, nhiều người lại đổ xô mua xe. Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 1/2018, doanh số toàn ngành tăng 29% so với cùng kỳ 2017.

Cuộc tăng-giảm giá xe khó đoán định như chứng khoán trong 2017 còn kéo tiếp sang đầu 2018, khi những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của hãng ảnh hưởng lớn từ các chính sách trong ngành. Thay vì sự ổn định để lấy niềm tin khách hàng, thị trường ôtô Việt đang biến động không ngừng và khó lường.

Theo các quản lý bán hàng, thông tin giá tăng-giảm không còn làm cho khách Việt cảm thấy "như bị lừa" khi mua xe như 2017, mà chuyển thành bất ngờ kèm tiếc nuối. Nhiều người còn tỏ ra hoang mang, vì không biết giá sẽ đi theo chiều hướng nào, đành "nhắm mắt" mua. Nhu cầu sử dụng thực tế quan trọng hơn là được-mất vài chục đến hàng trăm triệu.

Lý do mà các hãng VAMA đưa ra là những bất ngờ từ chính sách. Nghị định 116 khiến hãng trở tay không kịp, xe không thể về khi thiếu giấy tờ. Tuy vậy, Trường Hải và Hyundai Thành Công, hai thương hiệu lắp ráp lại đồng tình với chính sách, cho rằng đây là cơ sở để tạo dựng một nền sản xuất ôtô đúng nghĩa tại Việt Nam.

Giá mới của CR-V bản cao nhất là 1,068 tỷ, rẻ hơn mức 1,1 tỷ dự định ban đầu.

Thực tế, sau Tết Nguyên đán, thị trường ôtô nhập khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Mới đây, lô xe hàng trăm chiếc của Honda về nước chỉ vài ngày sau khi thông tin từ Bộ GTVT, cho biết cơ quan này chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) do chính phủ Thái Lan cung cấp. Các hãng khác cũng đang ráo riết để sớm hoàn thành hồ sơ. Khi nút thắt về yêu cầu giấy VTA của Nghị định 116 được giải quyết, giá xe có thể thay đổi theo chiều hướng giảm nhiều hay ít tùy vào chiến lược của từng hãng.

Lượng xe nhập khẩu có cơ hội lưu thông trở lại, khách hàng kỳ vọng giá xe nhập khẩu trong 2018 sẽ giảm nhưng không quá sâu. "Không có gì chắc chắn lắm vì hợp đồng cọc vẫn có điều khoản thay đổi giá", Lê Nam, một bác sỹ đang công tác tại Hà Nội vừa đặt cọc 30 triệu đối với CR-V bản G cho biết.

"Những thứ thuộc về chính sách thì mình phải chấp nhận vì quen rồi. Đại lý nếu có chiêu trò làm giá mới là điều phải nghĩ".

Tác giả: Thành Nhạn - Đức Huy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP