Trong tỉnh

‘Hung thần’ gỗ dăm tung hoành xứ Nghệ: Nghi án có ‘bảo kê’? (Kỳ 3)

Chỉ cần cơi nới thêm 1,5m chiều cao và 0,5m chiều dài của thùng xe thì khối lượng chở tăng thêm rất lớn và thu nhập sẽ cao hơn nhiều.

Xe quá khổ, quá tải hoạt động mạnh nhất từ 22h đến đến 5h sáng.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, trên tuyến QL 48D từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đi cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) tấp nập xe tải ngược xuôi chở dăm gỗ. Nhìn bên ngoài, hàng loạt thành thùng xe tải này đều khác thường. Chiều cao thành thùng của các xe này quá trần ca - bin đến cả mét, dăm gỗ bên trong hầu hết được chất có ngọn. Tất cả các xe đều không phủ bạt, ung dung bon bon trên đường.

Liên tiếp trong các ngày 6- 8/4, trong khoảng thời gian từ 20h – 23h và từ 0h – 4h giờ sáng ngày hôm sau, tại thị trấn Nghĩa Đàn, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận hoạt động chở dăm gỗ quá khổ, quá tải diễn ra náo nhiệt. Xe 37C-3856 (Hyundai) vừa phóng qua, những chiếc xe 37C-011.82, 37C-013.25 lầm lũi trong đêm tối, xuôi về hướng cảng Nghi Sơn – cách đó khoảng 50 km.

Theo người dân, các xe chở dăm gỗ hoạt động trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và QL 48D thường bị ép chuyến, có khi nối đuôi nhau hàng đoàn, xe cách xe chỉ mấy mét. Khi xả hàng xong, xe nhẹ nên phóng bạt mạng trên đường. Nhiều xe còn lắp thùng dài và cao, chạy nhanh nên thùng lắc lư trông rất nguy hiểm. Đã có trường hợp xe chạy qua khúc eo, lại chạy nhanh, cua gấp nên thùng chứa dăm gỗ rớt, dăm gỗ rơi lả tả khiến người đi đường hoảng sợ...Tuy nhiên, không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xe chuyên dụng chở dăm gỗ trên ở đây đa số đều “đôn” thùng xe cao lên khoảng gần 5 mét và dài hơn nhiều so với thiết kế.

Một cán bộ đăng kiểm cho biết, việc các xe này “đôn” thùng cao từ 1,5 đến 2 lần so với thiết kế là không được phép, không đảm bảo các quy định về trật tự an toàn giao thông. Việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của các lượng tuần tra, kiểm soát trên đường.

Theo nghi nhận, những chiếc xe chở gỗ dăm trên QL 48D thường cơi nới thêm 1,5 mét thành thùng

Đang cơi nới thùng xe tại một gara ô tô trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hoàng Mai, anh H. tài xế xe tải chở gỗ dăm tuyến Nghĩa Đàn – cảng Nghi Sơn cho biết, chỉ cần cơi nới thêm 1,5m chiều cao và 0,5m chiều dài của thùng xe thì khối lượng chở tăng thêm rất lớn và thu nhập sẽ cao hơn nhiều, nên tất cả các chủ xe tải đều bất chấp quy định của pháp luật. “Tôi chỉ là người làm thuê ăn lương, nhiều khi ôm vô lăng chở mấy chục tấn gỗ dăm cũng thấy “lạnh người”, vì tải trọng tăng thêm quá lớn và biết là vi phạm pháp luật”, tài xế H. tâm sự.

Để qua mặt lực lượng chức năng và trung tâm đăng kiểm, trước khi đưa xe đi “khám” định kỳ, các doanh nghiệp, chủ xe phải tháo hệ thống thùng cơi nới và dùng các con tăng để làm… mui phủ bạt như quy định. Sau khi kiểm định về, các xe này liền tháo các con tăng làm mui phủ bạt để cơi nới thùng hàng…

Có thể nói, tình trạng xe chở gỗ dăm trên QL 48D vi phạm các quy định của pháp luật nhiều năm qua, trở thành nỗi bức xúc trong nhân dân, nhưng vẫn không được xử lý một cách triệt để. Thế nhưng, sau mỗi đợt ra quân rầm rộ của lực lượng chức năng, thì vấn nạn trên lại tái diễn và mức độ sai phạm càng nặng. Điều này dẫn đến những hoài nghi trong dư luận rằng các phương tiện này được “chống lưng”?

Các xe thường đi thành từng đoàn dài, không che chắn, phóng nhanh vượt ẩu trên đường

Và nhìn như những “quả núi“ di động

“Cam kết cho vui”… Ai chịu trách nhiệm?

Một nghịch lý khác, hàng năm, các doanh nghiệp có xe chở dăm gỗ hay chở keo trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đều cam kết với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông về cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, không chở quá tải, cơi nới thành thùng xe, không làm rơi vãi gỗ dăm, không phóng nhanh vượt ẩu nhưng khi ra thực hiện thì đi ngược với cam kết.

Thậm chí một số doanh nghiệp còn lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho lái xe, công nhân bốc xếp để quản lý tải trọng ngay từ khâu bốc xếp.

Thế nhưng, đó chỉ là lời hứa trên giấy còn thực trạng thì lại khác. Từng đoàn xe được ví như “quái thú” chở gỗ dăm vẫn ung dung vi phạm giữa “thanh thiên bạch nhật”, trước sự thờ ơ khó hiểu từ các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An.

Đã từng có thời, lãnh đạo tỉnh Nghệ An coi xe quá khổ, quá tải là “giặc” và tuyên chiến rất mạnh mẽ, và lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống đường, chỉ đạo các lực lượng chức năng vây ráp, xoá sổ xe quá khổ, quá tải tại các điểm “nóng” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngay sau chiến dịch kết thúc, thực trạng trên vẫn tiếp diễn, thậm chí có chiều hướng gia tăng mạnh hơn. Điều này khiến người dân không khỏi băn khoăn về vai trò và trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong công tác này.

Do chở quá tải, quá khổ nên khi vào các khung cua gấp, các xe như muốn lật nhào.

Vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An lại không có biện xử lý

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia – Pv) chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h, kiên quyết xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải. Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, xe quá tải, quá khổ công khai hoạt động nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch Nghệ An, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, tàn phá hạ tầng giao thông, thì trách nhiệm thuộc về ai? và việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để lọt xe quá khổ, quá tải sẽ như thế nào?

Tạp chí Giao thông vận tải tiếp tục thông tin./.

Tác giả: NHÓM PV

Nguồn tin: tapchigiaothong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP